Công bộc của dân

23/07/2017 09:40 GMT+7

Dù chỉ là một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái đạo đức lối sống, coi thường dân, coi thường pháp luật nhưng lại đang ở mức báo động và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nền hành chính quốc gia.

Đó là cảnh báo của TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội của MTTQ VN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với Thanh Niên về những hành xử gây bức xúc của một số công bộc thời nay.
TS Nguyễn Viết Chức Ảnh: Hoàng Anh

Lệch chuẩn văn hóa lại "kiệm lời xin lỗi"
Thưa ông, câu chuyện bà Phó chủ tịch Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đỗ xe sai quy định và tướng về hưu vi phạm lỗi còn lớn tiếng với CSGT... diễn ra gần đây cho thấy, một bộ phận cán bộ có chức lạm quyền, coi thường pháp luật, coi thường người dân. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Bản chất của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ. Tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng, trong Báo cáo chính trị có nói rất rõ tinh thần trọng dân chứ không chỉ là gần dân. Tinh thần này mang tính truyền thống, là văn hóa VN, nhưng đồng thời cũng thể hiện tinh thần của Đảng là không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.

tin liên quan

Công an TP.Cần Thơ: Xe chở tướng Liêm chạy quá tốc độ
Chiều 17.7, đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ cho biết lực lượng CSGT Cần Thơ có đầy đủ hình ảnh chứng minh chiếc ô tô chở trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư (Bộ Quốc phòng - đang chờ nghỉ hưu) chạy quá tốc độ quy định vào ngày 14.7.
Thế nhưng, nhiều hành vi ứng xử trong phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức lại không phải như vậy. Gần đây rất nhiều chuyện buồn, khi có cán bộ ứng xử không chuẩn mực với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, thậm chí ứng xử rất thiếu văn hóa. Có những cán bộ vẫn vô tư bẻ hoa, ngắt cành, ứng xử lệch chuẩn văn hóa lại “kiệm lời xin lỗi”! Rộng ra nữa, có cán bộ vì lợi ích phê duyệt những dự án đã góp phần tàn phá môi trường, có những cán bộ hoạnh họe chửi nhà báo, xem thường dân... Tất cả những hành vi trên dù nhỏ hay lớn đều thể hiện thái độ không kính trọng người dân, ứng xử lệch chuẩn văn hóa - đây là điều không nên, không thể có đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Những biểu hiện như thế là biểu hiện không vì dân, không phải là cán bộ của dân, do dân và vì dân.
Có gì bất ổn không, thưa ông, khi những người xem thường dân lại là những cán bộ hiểu biết pháp luật? Phải chăng đây là “phong cách” những công bộc của dân thời nay?
Tôi cho rằng dù trong điều kiện nào thì người cán bộ phải biết kiềm chế. Khi tiếp xúc với dân có thể nghe những điều khó nghe, hoặc gặp nhiều trường hợp ở ngoài xã hội dù bức xúc thật đấy, nhưng phải kiềm chế để giải quyết vấn đề mới là khôn ngoan. Làm như vậy mới đúng với phong cách cán bộ cách mạng chứ không phải là ''quan'' cách mạng. Chỉ có ''quan'' cách mạng mới nổi nóng, chửi bới dân. Là cán bộ trong điều kiện nào cũng không được làm thế. Đơn cử như vụ việc tướng về hưu quát nạt CSGT ở Cần Thơ, lẽ ra mình là cấp cao hơn phải ôn tồn giải thích, không nên thấy hàm cấp của mình cao hơn mà thóa mạ người ta. Hay Phó chủ tịch Q.Thanh Xuân đi trên chiếc xe đỗ sai chỗ, giả sử dân có sai cũng tìm cách giải thích với người ta. Mình làm lớn chuyện dễ bị hiểu lầm là cậy quyền, cậy thế! Cậy quyền khi mình đúng đã là không nên, còn khi sai thì đáng trách quá. Trong bất kỳ trường hợp nào người cán bộ cũng phải ứng xử có văn hóa, đang nóng giận không nên có "thái độ quyết liệt" làm cho câu chuyện nóng thêm.
Vị trí của mình là công bộc của dân, là cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm thì phải làm đúng vai trò, vị trí. Cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính như Bác Hồ đã dạy, nếu không sẽ không ổn vì cái giá của những cán bộ hách dịch, cửa quyền, lạm quyền... phải trả sẽ rất đắt

Văn hóa VN còn có câu “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”, mình là cán bộ phải bao dung, rộng lượng thế mới là cán bộ. Tôi không bàn đến việc đúng sai, nhưng trong trường hợp nào thì cái sai trước tiên vẫn phải thuộc về cán bộ. Anh phải xác định anh là cấp trên, là cán bộ thì phải mẫu mực hơn bình thường.
So với thời của ông và trước đó nữa thì hình ảnh công bộc của dân thời nay có gì thay đổi?
Thời chúng tôi làm việc, môi trường cũng khác, trình độ dân trí cũng chưa được như bây giờ. Cán bộ lúc đó yếu kém cũng có, nhưng không có những hành vi lạ đời như vậy. Bây giờ xã hội mở hơn, điều kiện thông tin rõ hơn nên đôi khi bất kỳ hành vi nào của cán bộ, công chức không chuẩn mực đều được báo chí, mạng xã hội phản ánh.
Là cán bộ của lớp trước, chúng tôi chia sẻ với anh em, chị em cán bộ trẻ trong điều kiện bây giờ có thuận lợi về vật chất, phương tiện học hành, nhưng cũng có khó khăn khác do tác động của kinh tế thị trường, tác động của lợi ích trước mắt... Có thể vì những tác động đó mà một số cán bộ có ứng xử một cách tùy tiện, ứng xử một cách không cân nhắc. Họ nghĩ rằng đó là chuyện nhỏ thôi, nhưng lại không hề nhỏ. Môi trường làm việc bây giờ có thể khó khăn hơn trước, nhưng cũng không thể đổ lỗi cho môi trường. Cũng phải nói thêm rằng, không phải tất cả cán bộ bây giờ đều hư hỏng, yếu kém, chỉ có một bộ phận như vậy thôi, nhưng dù ở thời nào, cán bộ phải tự mình rèn luyện tu dưỡng.
Cán bộ không thể đứng trên pháp luật
Thưa ông, những hiện tượng như vậy đã làm xấu hình ảnh của nền hành chính, làm người dân dần mất niềm tin vào cán bộ, công chức nhà nước. Theo ông, việc này có đáng báo động?
Trong Nghị quyết Đảng đã cảnh báo có sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cảnh báo này bằng văn bản, trong Hội nghị của T.Ư, trong Đại hội Đảng chứ không phải cảnh báo bằng lời, bằng một vài ý kiến. Như vậy, tình trạng này đáng báo động quá đi chứ!
Tôi nghĩ, Đảng phải làm nghiêm, cán bộ nào sai sót phải kiểm điểm, phê bình nghiêm túc mới có thể tốt được. Tôi vẫn khuyến cáo, nhân vô thập toàn, nhất là khi trên người lại khoác thêm một chút quyền lực thì càng phải cảnh giác với chính mình bởi nếu không sẽ rất dễ lạm quyền. Đây là một thói xấu. Thói xấu này trong quá trình phát triển của xã hội loài người cũng đã cảnh báo rất nhiều. Trong hệ thống chính trị, nhà nước nào cũng đều tìm mọi cách triệt tiêu cung cách lạm quyền và kiểm soát quyền lực. Ở xã hội ta, một xã hội do một đảng cầm quyền thì kiểm soát quyền lực trước tiên phải tuân thủ điều lệ Đảng, phải dựa vào tính tự giác, đức độ của những người cộng sản, đảng viên. Và điều quan trong bậc nhất là phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật! Đảng không đứng ngoài, đứng trên pháp luật! Mỗi đảng viên càng không thể đứng ngoài pháp luật! Nhưng tiếc thay, bây giờ nhiều cán bộ, đảng viên không coi trọng, tu dưỡng đạo đức, thích lạm quyền nên mới bị xã hội lên án.
Tướng về hưu (ngồi xe ô tô) lớn tiếng với CSGT gây xôn xao dư luận Ảnh: Cắt từ clip
Cán bộ mà lạm quyền thì nguy hiểm lắm. Anh sẽ lạm quyền để ký phê duyệt dự án, lạm quyền biển thủ công quỹ, thậm chí lạm quyền bổ nhiệm cán bộ... dẫn đến kinh tế thất thoát, niềm tin xã hội giảm sút. Tất cả những việc như thế phải nghiêm khắc sửa chữa kịp thời. Ngoài ngăn chặn lạm quyền, chúng ta cũng phải có thiết chế để hạn chế không để bệnh suy thoái đạo đức lối sống lan rộng.
Với tư cách thành viên Hội đồng tư vấn xã hội, cá nhân ông có kiến nghị gì để góp phần khắc phục những "thói hư, tật xấu" của đội ngũ cán bộ hiện nay?
Nói chung quy định của nhà nước về xử lý các hành vi trên rất nghiêm, vấn đề là đừng làm sai để rồi phải xin lỗi hay kỷ luật. Sai nhỏ hậu quả nhỏ, sai lớn hậu quả lớn. Rút kinh nghiệm là cần thiết nhưng không nên xảy ra mãi để rồi “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”. Những cán bộ để nhiều tình huống như thế tốt nhất là tự kiểm điểm, nặng nên rút lui và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng. Với đảng viên, những hành vi như đã nói, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cảnh cáo, nặng nữa khai trừ khỏi Đảng để tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nhân đây, tôi cũng xin khuyến cáo, tất cả những cán bộ giữ trọng trách được nhân dân giao phó phải hiểu được vị trí của mình. Vị trí của mình là công bộc của dân, là cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm thì phải làm đúng vai trò, vị trí. Cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính như Bác Hồ đã dạy, nếu không sẽ không ổn vì cái giá của những cán bộ hách dịch, cửa quyền, lạm quyền... phải trả sẽ rất đắt.
“Dân gian lan truyền cái xấu của quan chức rất nhanh”
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học KHXH-NV Hà Nội, cho
Ông Nguyễn Hùng Vĩ Ảnh: Phong Anh
rằng với tâm lý phản kháng, văn hóa dân gian và dư luận xã hội luôn lan truyền cái xấu của quan chức rất nhanh. Ông Vĩ cho rằng dư luận xã hội sẽ bắt sóng nhanh hơn cái xấu của quan chức. Truyền thông càng phát triển bao nhiêu thì những phản ánh đó càng nhanh chóng lan rộng và phát triển bấy nhiêu. Công bộc của dân càng phải nghiêm chỉnh để tránh ảnh hưởng xấu lan ra.
(Ngữ Yên)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.