Công chứng vô ý để 'lọt' giấy tờ giả: Là rủi ro nghề nghiệp được luật định?

Phan Thương
Phan Thương
17/04/2020 10:55 GMT+7

Người dân tìm đến các tổ chức hành nghề công chứng là để đảm bảo an toàn pháp lý cho giao dịch, vì vậy khi xảy ra thiệt hại do lỗi công chứng thì công chứng không thể 'phủi' trách nhiệm được.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên, cho rằng tổ chức hành nghề công chứng không thể vô can khi công chứng viên để “lọt” giấy tờ giả, cho dù đó là lỗi vô ý.

Công chứng là để “đảm bảo an toàn pháp lý”

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, theo luật Công chứng định nghĩa “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch)…”.
Và công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Một trong những nguyên tắc hành nghề công chứng đó là “chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”.
Về quy trình công chứng theo Điều 40 luật Công chứng, công chứng viên phải kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trong quá trình công chứng nếu phát hiện có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Với những nội dung được quy định tại luật Công chứng thì có thể thấy rằng công chứng viên là “người gác cổng” để đảm bảo quyền lợi ích của các bên khi tham gia giao dịch. Và khi có những nghi ngờ trong quá trình công chứng giao dịch thì công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Và nếu không làm rõ được thì có quyền từ chối.
Nếu khi công chứng giao dịch, công chứng viên tuân theo quy định của pháp luật thì rất khó để các giao dịch giả về hình thức hoặc giả về nội dung “qua cửa” được.
Việc công chứng viên “để lọt” giao dịch giả bất kể trong trường hợp nào thì công chứng viên là người có lỗi. Nếu là lỗi cố ý, tức biết là giấy tờ giả và đã có sự thống nhất với đối tượng làm giả thì hành vi này vi phạm pháp luật hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng đó là “có tổ chức”. Trường hợp không có sự bàn bạc, thống nhất thì cũng là đồng phạm.
Trường hợp do vô ý không làm hết trách nhiệm để “lọt” giấy tờ giả gây thiệt hại cho các bên tham giam giao dịch thì đây là lỗi vô ý và trong trường hợp này tổ chức công chứng cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại (nếu có).
“Việc công chứng giao dịch không đơn thuần chỉ là công chứng về hình thức mà ngay từ phần định nghĩa, luật đã thể hiện công chứng là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự và công chứng viên không phải cung cấp dịch vụ của cá nhân họ mà đó là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”, luật sư Lê Văn Hoan nêu.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Kinh tế - luật) cho hay, lỗi công chứng viên thường được xác định trong hai trường hợp: Lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Nếu công chứng viên vi phạm với lỗi cố ý thì hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn với lỗi vô ý gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho người bị hại.
Tuy nhiên, công chứng viên có thẩm quyền xác định giấy tờ giả hay không, ông Lưu Đức Quang khẳng định là không bởi, hiện nay chỉ có giám định viên thuộc Công an TP.HCM mới có thẩm quyền xác định giấy tờ giả. “Công chứng viên chỉ có thể kiểm tra một số dấu hiệu cơ bản của giấy tờ. Nếu công chứng viên làm đúng quy trình công chứng nhưng dấu hiệu giả ở chỗ khác thì đây là lỗi vô ý dẫn đến thiệt hại, và buộc phải bồi thường”, ông Lưu Đức Quang đánh giá và cho biết thêm: “Quy định hiện nay buộc các tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm nghề nghiệp cho công chứng viên, và phạm vi bảo hiểm bao gồm những thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra trong thời hạn bảo hiểm. Vì vậy, trường hợp công chứng viên vô ý, không phát hiện đối tượng giả, giấy tờ tùy thân giả dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng thì phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được giải quyết trong trường hợp này ”, ông Lưu Đức Quang cho hay.
Luật sư Hoàng Thế Đạt (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng khẳng định để hành nghề công chứng thì công chứng viên phải hoạt động trong tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức này phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Điều 37 của luật Công chứng và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 38 của luật này để đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra.

Công chứng không phủ nhận trách nhiệm nhưng phải có cái nhìn tổng thể

Một trưởng văn phòng công chứng (VPCC) tại TP.HCM cho hay, quy trình đào tạo một công chứng viên từ trước đến nay có một lỗ hổng là không đào tạo sâu về kỹ năng và truyền bá kiến thức nhận dạng, phân biệt giấy tờ thật giả; khi chính tổ chức hành nghề công chứng liên hệ cơ quan thẩm quyền liên quan để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phân biết thật/giả thì đa số các “chuyên gia” đều giấu nghề. Vì vậy, đa số công chứng viên phải có thâm niên hoặc “nhận nhiều thương đau” mới có thể có kinh nghiệm nhận biết giấy tờ thật - giả.
“Vì vậy, trong câu chuyện, hiện tượng giấy tờ giả, người giả “lọt cửa” công chứng, thì cần có một trách nhiệm chung, đó là: cơ quan quản lý đã làm gì để xử lý tình trạng này. Các cơ quan có khả năng phòng chống đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này và chính công chứng viên đã làm gì để tăng khả năng nhận biết thật/giả và phòng đỡ câu chuyện này”, vị trưởng VPCC này cho hay và nhấn mạnh: “Tội phạm ngày càng tinh vi thì công chứng viên cũng phải tự “biến hóa” để nâng cấp. Không thể học lý thuyết rồi giậm chân tại chỗ, la lên rằng “tôi đã làm đúng quy trình nhưng thủ đoạn tội phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra được, nên tôi không có lỗi thì không được”. Công chứng viên không phủ nhận trách nhiệm nhưng cơ quan quản lý phải có giải pháp”.
Về câu chuyện bảo hiểm, vị trưởng VPCC này cho hay hiện nay tất cả các tổ chức hành nghề phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng khi phát sinh vụ kiện liên quan đến công chứng bồi thường thì tòa không đưa bảo hiểm tham gia vụ án. Nếu bàn câu chuyện bồi thường thì tòa phải mời bảo hiểm tham gia với tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu công chứng viên không mua bảo hiểm thì tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm, nhưng đã mua bảo hiểm và có điều khoản bồi thường với lỗi vô ý thì bảo hiểm phải tham dự.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.