Bạn đọc cho rằng, với những vụ việc như vậy, các văn phòng công chứng cũng phải liên đới trách nhiệm.
Như Thanh Niên thông tin, vừa qua TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của Văn phòng Công chứng (VPCC) Lý Thị Như Hòa trong việc tổ chức hành nghề công chứng này không phải liên đới cùng bị cáo Trần Văn Lắm bồi thường 1,2 tỉ đồng cho người bị hại. Trước đó, hồi tháng 8.2018, liên quan vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ngụ tại H.Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù về hành vi được thuê đóng giả chủ đất để... bán đất. Cấp sơ thẩm cũng tuyên bị cáo Lắm và VPCC Lý Thị Như Hòa có trách nhiệm liên đới bồi thường 1,2 tỉ đồng cho bị hại. Sau bản án sơ thẩm, VPCC kháng cáo về phần dân sự liên quan đến mình.
Phải chịu trách nhiệm liên đới
Luật công chứng quy định công chứng là việc công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Luật cũng quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi mà CCV của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng. Bạn đọc (BĐ) cho rằng khi làm các thủ tục công chứng, người dân đều tin tưởng vào VPCC vì như vậy sẽ an toàn, đảm bảo về mặt pháp luật. Bên cạnh đó, VPCC thực hiện giao dịch có thu tiền thì khi sự việc xảy ra không thể “phủi” trách nhiệm liên quan.
Sẽ tạo tiền lệ xấu ?
BĐ Robin (TP.HCM) cho rằng: “Tòa phúc thẩm không buộc VPCC liên đới bồi thường (1,2 tỉ đồng vụ án 1) sẽ tạo tiền lệ xấu cho VPCC và CCV, vì họ biết có chứng thực sai cũng chẳng sao, nên chẳng cần xem kỹ giấy tờ làm gì”. Cùng quan điểm, BĐ Mai Ngọc (TP.HCM) viết: “Nếu VPCC, CCV không chịu trách nhiệm liên đới thì những vụ việc như thế này sẽ còn dài dài. Bởi vì họ sẽ chủ quan, cứ nghĩ nếu có chứng thực sai thì cũng sẽ không bị gì”.
Trong khi đó, BĐ Đình Diệm (Hà Nội) cho rằng trường hợp pháp luật quy định chưa rõ thì tòa tối cao cần có án lệ để tạo khung pháp lý chuẩn khi xét xử các vụ có nội dung tương tự. “Nên nhớ công chứng là nghề trách nhiệm vô hạn. Nhà nước phải ra án lệ để có căn cứ xử lý”, BĐ này viết.
Bình luận (0)