CSGT ngại xử lý người nước ngoài vi phạm?: ‘Tự sự’ của một người nước ngoài

26/01/2019 10:00 GMT+7

Jesse Peterson, quốc tịch Canada, sống và làm việc tại Việt Nam được 8 năm. Hiện anh sống ở Q.7, TP.HCM, viết sách và viết bài cộng tác (bằng tiếng Việt).

Anh đã gửi bài viết chia sẻ những suy nghĩ của mình về tình trạng người nước ngoài vi phạm giao thông tại Việt Nam.
Tôi thấy một người nước ngoài đi xe máy nhanh không đội mũ bảo hiểm (MBH), tôi bực mình lắm. Nhưng tôi hiểu tại sao họ lại làm thế. Tôi nhớ có một lần khi tôi còn ở Hà Nội, công ty tổ chức một bữa tiệc tại nhà hàng. Tan giờ làm, mọi người bảo tôi lái xe theo họ vì tôi không biết đường. Họ, là một đoàn người, đi trước tôi, khoảng cách khá xa và lái rất nhanh. Đến ngã tư, khi đèn vàng chuyển sang đèn đỏ tôi buộc phải vượt qua nhanh đuổi theo họ, vì sợ mất dấu từng người và bị lạc. Một người Việt tôi không quen biết thấy vậy bảo: “Người Việt Nam không vượt đèn đỏ!”. Tôi mắc cỡ lắm, mặc dù đoàn người phía trước tôi vừa vượt đèn đỏ đấy thôi!
Gần nhà tôi có một ngã tư sau một cây cầu, tôi từng gặp rất nhiều người vượt đèn đỏ. Mỗi lần đến đó, tôi hay cố gắng dừng lại để cho họ thấy và hy vọng họ sẽ bắt chước mình. Tuy nhiên, khi ra ngoài đường, tôi gặp không ít người nước ngoài lái xe quá tốc độ, không đội MBH, vượt đèn đỏ. Tôi không thích khi người Việt Nam phá luật giao thông, nhưng tôi càng ghét người nước ngoài làm như thế hơn, khi họ đang ở Việt Nam.
Tôi luôn bảo là ở nước ngoài, giao thông tốt hơn, không nhiều tai nạn như ở Việt Nam; hệ thống giao thông hoạt động mượt mà và thoải mái hơn; người nước ngoài cũng chấp hành luật rất nghiêm chỉnh... Khi tôi nói về hành vi thông minh trong một nhóm tên là “Intelligence of group behaviour” rằng ở nhiều nơi công cộng có liên quan đến giao thông, xếp hàng trong siêu thị hay sân bay, cách dùng thang máy và thang cuốn, ý thức của một số người Việt Nam chưa tốt lắm. Thế nhưng, những người nước ngoài khác đang sống ở Việt Nam thì ngang nhiên vượt đèn đỏ, không chấp hành luật giao thông đã đạp đổ hết công sức của tôi. Khi họ làm sai, rất nhiều người Việt Nam sẽ nghĩ: “Ối giời! Jesse Peterson nói sai rồi. Hóa ra ở đâu cũng có người này người kia. Người tốt và người xấu, cứ chẳng phải người nước ngoài nào cũng có hành vi tốt”.
Cảnh sát giao thông làm việc với người nước ngoài vi phạm khi tham gia giao thông
Khi tôi bắt đầu ở TP.HCM được 3 tháng, sáng đi làm chờ đèn đỏ, trong khi mọi người xung quanh tôi vượt liên tục. Tôi đứng đó trơ trọi một mình, cảm thấy mình khác người kiểu gì đó, nên muốn vượt theo. Tuy nhiên, sau khi ở đây mấy năm, chứng kiến tai nạn ngày càng nhiều, không muốn là một thành phần làm hư những người khác, tôi cố gắng theo luật.
Tôi nhớ bạn tôi kể: “Người yêu em hay uống bia, nhậu nhẹt. Em nói nhiều lần không nghe, nên em quyết định thành bợm nhậu, uống với anh ấy, uống rất nhiều... Em đã hy vọng là nếu anh ấy thấy em say xỉn thì sẽ nhận ra được tác hại và... bỏ nhậu. Nhưng em sai!”.
Đúng rồi! Hai điều xấu ghép lại không thể tạo nên một điều tốt. Mình muốn gì đó cải thiện xã hội thì phải là một tấm gương tốt cho những người khác noi theo. Tôi nghĩ rằng, CSGT cũng cần thật sự nghiêm minh, không được phép xử phạt bằng cách nhận hối lộ.
Tiếng Latin có một từ tôi rất hay dùng cho cuộc sống hằng ngày “apotheosis”. Nó có nghĩa là hãy cố gắng trở thành một ví dụ hoàn hảo, là một tấm gương cho những người khác noi theo. Thực sự bây giờ, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hoặc sẽ ở đây lâu dài. Chỉ có một cách để họ không vi phạm luật giao thông, đó là thấy người Việt Nam làm đúng luật! Khi đó, tất cả sẽ theo cùng một trật tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.