Củng cố niềm tin trong nhân dân: Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy

01/02/2020 07:30 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư, về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 ngày 31.7.2017 nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Nhìn vào bình diện cuộc chống tham nhũng trong thời gian gần đây cho thấy cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội, đáp ứng nhận định và cũng là hiệu triệu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư, về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 ngày 31.7.2017: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

“Không còn ai đứng ngoài cuộc”

Khơi dậy tinh thần trách nhiệm

Thực tiễn đã cho thấy mỗi vụ việc được đưa ra xét xử công khai, minh bạch đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Hiệu ứng đó đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Đã xuất hiện những lá đơn tố cáo các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của cán bộ có chức, quyền, công khai rõ tên tuổi, tổ chức. Đó là những nhân tố báo hiệu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang trở thành phong trào và xu thế của xã hội.
Đại diện C03
Trong giai đoạn 2017 - 2019, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (BCĐ), các cơ quan tố tụng T.Ư phát hiện, điều tra, đưa ra truy tố, xét xử hàng loạt đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực được dư luận xã hội đồng tình, củng cố niềm tin của nhân dân.
Tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã phát hiện ra những hành vi nhận hối lộ “cả va li tiền mặt” của Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hay cả những “thùng hoa quả” chứa cả triệu USD trong vụ án MobiFone mua AVG. Có những vụ án, đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài nhiều năm, thay đổi thân phận nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng lần ra như vụ án tại PVC hay vụ Giang Kim Đạt tham ô gây thất thoát 16 triệu USD tại Vinashinlines thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ, đưa ra xét xử vụ Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt hại và thất thoát 18.000 tỉ đồng; Vụ Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank, và đồng phạm gây thiệt hại 27.000 tỉ đồng. Từ 2 vụ án này đã kéo theo hàng chục vụ án “con” liên quan đến nhiều tổ chức, DNNN khác trên phạm vi cả nước với hàng trăm bị can, bị cáo, có người đã phải nhận những mức án cao nhất như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Càng về cuối nhiệm kỳ, quyết tâm chính trị về phòng chống tham nhũng của Đảng được đẩy lên cao trào khi liên tiếp 2 năm gần đây, nhiều vụ án được khởi tố mới, mở rộng điều tra với hàng trăm bị can, trong đó có không ít trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý, thông qua các vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Út trọc, MobiFone...
Theo ông Nguyễn Văn Yên (Vụ trưởng Vụ Theo dõi các vụ án thuộc Ban Nội chính T.Ư - Cơ quan thường trực BCĐ), kết quả các đại án tham nhũng từ các cơ quan tố tụng T.Ư đã tạo ra nhiều hiệu ứng khiến cho tất cả các ngành, các cơ quan và địa phương “không còn ai đứng ngoài cuộc” như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12.
Thống kê của Ban Nội chính T.Ư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay các cơ quan tố tụng T.Ư và địa phương, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện 1.250 vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng. Kết quả này cũng định hình bức tranh toàn cảnh về tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng đã chứng minh lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trước đây nhưng chưa chỉ rõ là ai.
“Bây giờ thì quá rõ, trong bộ phận này có ủy viên Bộ Chính trị, có nhiều ủy viên T.Ư, đặc biệt có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng. Rồi phó chủ tịch TP.HCM, rồi chủ tịch, phó chủ tịch Đà Nẵng, đặc biệt là thứ trưởng của các cơ quan quan trọng như công an, quân đội”, ông Yên nói đồng thời cho rằng, đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước khi làm rõ được các đối tượng tham nhũng ở nhiều tầng, nấc, liên quan đến nhiều lĩnh vực...
Bên cạnh đó, theo ông Yên, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, phá vỡ những nhóm lợi ích mà từ trước đến nay “không có ai đụng vào được như Vũ “nhôm”, Út trọc. “Những người như Út trọc, Vũ “nhôm” vốn không có chức sắc quyền hành gì nhưng đã thông qua các mối quan hệ của người có quyền lực tạo ra thanh thế rồi từ đó ngoi lên trong tổ chức nhà nước và lợi dụng vào đó để trục lợi, gây thất thoát cho nhà nước hàng chục ngàn tỉ. Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra hơn 10 vụ án liên quan đến 2 đối tượng này”, ông Yên nói.

Không còn “trên nóng dưới lạnh”

Theo Bộ Công an, năm 2019, các cơ quan điều tra trong lực lượng đã khởi tố mới 304 vụ án/724 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 6 vụ án, tăng 177 bị can so với 2018); kê biên, phong tỏa, thu hồi 10.300 tỉ đồng; hơn 7.000 m2 đất; 50.000 cổ phiếu (so với năm 2018 tăng 7.950 tỉ đồng). Bộ này cũng đưa ra nhận định ở các địa phương đã từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nếu như năm 2017 có 8 địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới thì năm 2018 đã giảm xuống 6 và năm 2019 chỉ còn 3. Một số địa phương như Hải Dương, Ninh Thuận, Tuyên Quang trong nhiều năm liền không phát hiện được tham nhũng thì nay đều đã có.
Cùng với số lượng vụ việc, cơ quan tố tụng các địa phương đã điều tra, phát hiện những vụ án tham nhũng có quy mô, tính chất nghiêm trọng không thua kém các đại án ở T.Ư. Trong đó, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án tham ô tài sản xảy ra tại chi nhánh Agribank H.Krông Bông, khởi tố bị can Chu Ngọc Hải về hành vi lập khống 557 bộ hồ sơ khách hàng vay vốn, ký giả chữ ký của giám đốc và trưởng phòng tín dụng ngân hàng để tham ô số tiền khoảng 80 tỉ đồng; Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Quang Tiến và Quỹ tín dụng nhân dân xã Tân Tiến, H.Trảng Bom với số tiền chiếm đoạt 1.128 tỉ đồng...
Trong vụ gian lận thi cử điểm thi tại kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, ban đầu cơ quan tố tụng chỉ khởi tố các bị can liên quan với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm... nhưng đến nay cơ quan tố tụng từ T.Ư và địa phương đều đã chỉ ra đích danh những người đưa và nhận hối lộ và tiến hành các biện pháp tố tụng.
Theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tham nhũng, ngoài những “môi trường truyền thống” như ngân hàng, đất đai thì những năm gần đây lực lượng đã tập trung giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt” với các hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn nhằm mục đích đòi hối lộ, ăn chia, gây bức xúc người dân. Trong đó, C03 đã khởi tố bị can là công chức ngành tài nguyên môi trường tỉnh Bến Tre lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt; Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại H.Vĩnh Tường số tiền hàng trăm triệu đồng; Công an TP.HCM khởi tố 6 cán bộ công chức thuế tại Đội thuế liên phường, Chi cục Thuế Q.5 về tội nhận hối lộ (lợi dụng nhiệm vụ quản lý, nhũng nhiễu buộc các hộ kinh doanh phải nộp từ 5 - 10 triệu đồng/tháng để không tăng mức thuế khoán); khởi tố bị can Phan Hồ Hưng Đoàn, cán bộ phụ trách kinh tế, UBND P.Bến Thành, Q.1 về tội nhận hối lộ (nhũng nhiễu khi thực hiện quyết định kiểm tra các hộ kinh doanh)... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.