Gần 140 tham luận của các tác giả gửi tới Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình ra đi tìm đường cứu nước”, tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 5 vừa qua, không chỉ làm rõ bối cảnh lịch sử, nhân tố ảnh hưởng và động cơ ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành; hành trình tìm kiếm con đường cho cách mạng VN mà còn khẳng định ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là một mốc son của lịch sử dân tộc.
Quyết định thay đổi số phận dân tộc
Cách đây 100 năm, ngày 5.6.1911, từ Bến Cảng Sài Gòn, Người bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Đó là thời điểm mà theo ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bế tắc về đường lối “như trong đêm tối không có đường ra”. Biết bao cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước bị thực dân đàn áp, bị dìm trong bể máu và đều thất bại.
Tuổi trẻ TP.HCM xem triển lãm về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ
|
Khi ấy, anh Ba (tên gọi của Bác Hồ lúc đó) ra đi với tấm lòng yêu nước cháy bỏng và một mẫn cảm, sự nhạy bén chính trị tuyệt vời ẩn sau một thân phận rất đỗi bình thường - người phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp. “Nhưng, theo thời gian, thực tiễn lịch sử đã khẳng định đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc VN của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, ông Huynh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Huynh, PGS-TS Phạm Hồng Chương,
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sinh tồn và phát triển của dân tộc VN”.
Ông Chương phân tích thêm, bắt đầu từ năm 13 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã “muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”. Nhưng Người đi không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn xem cho rõ “sự làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước VN đương thời kỳ vọng có thể giúp nước mình thoát khỏi ách thống trị của thực dân và “sau khi xem xét họ thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.
Linh mục Nguyễn Công Danh, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo VN, cho rằng tình thương yêu nhân dân chính là ngọn lửa đầu tiên nhen nhóm trong lòng Bác, thôi thúc Bác tìm cách cứu lấy đồng bào.
Với động lực to lớn ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, tìm ra con đường cho cách mạng VN, con đường đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Sài Gòn - Điểm hẹn lịch sử
“Từ lâu giới nghiên cứu đã đặt vấn đề tại sao Nguyễn Tất Thành chọn Sài Gòn làm nơi xuất phát con đường cứu nước? Phải chăng Nguyễn Tất Thành đã chọn Sài Gòn trước khi chọn con đường ra nước ngoài để cứu nước?”, PGS-TS Hà Minh Hồng, Khoa sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đặt câu hỏi và lý giải rằng sự lựa chọn này dựa trên cơ sở, lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ, có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở VN trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm manh mối xuất dương. “Hơn nữa, Sài Gòn là đất thuộc địa, là xứ đông Pháp. Vào được Sài Gòn là có thể coi như đã vào được nước Pháp”, ông Hồng nói.
Thiếu nhi TP.HCM xem triển lãm về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM
|
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều thống nhất đánh giá: Sài Gòn - nơi Hồ Chủ tịch dừng chân ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đi vào các khu thợ, làm quen với những người đang học nghề hay làm thợ ở các trường kỹ nghệ; tiếp cận với những người đã tham gia các phong trào Đông Du, Duy Tân và thấy rằng ngay giữa Sài Gòn đồ sộ, sầm uất... vẫn có những bất công giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và người lao động mất nước, nỗi tủi nhục của người dân nô lệ phải gánh chịu đã thôi thúc thêm ý chí đi ra nước ngoài của Bác.
“Ngày ấy, Sài Gòn vinh dự thay mặt cả nước tiễn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn, bắt đầu một cuộc hành trình mới với khát vọng lớn lao, nghị lực phi thường, trí tuệ thiên tài để tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng VN”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua tự hào nói.
Vững bước trên con đường Bác chọn
Khẳng định ngày 5.6.1911 là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh chúng ta phải kiên trì đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn. Để làm được điều đó thì trong mọi hoạt động của Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam.
“Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ VN. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi, tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích”, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Trong tham luận “Vững bước trên con đường Người đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, trong suốt hơn 80 năm qua, cách mạng VN đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng VN dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh…
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại, với sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của toàn xã hội, VN sẽ vững bước trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH
Trong tham luận gửi tới hội thảo, đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc tư tưởng của Người; bảo vệ, vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN, trong công cuộc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN trong mọi tình huống”.
|
Bình luận (0)