Ngày 25.9, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương hiện đã sẵn sàng các quy trình kiểm soát, tiếp nhận bệnh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, sẵn sàng nhân lực hoạt động đón bệnh nhân dự kiến tăng nhiều khi Đà Nẵng nới lỏng các hoạt động.
Theo ông Hồng, nhiều tháng qua, trong điều kiện giãn cách, các bệnh viện chỉ hoạt động với công suất giới hạn để đảm bảo yếu tố kiểm soát dịch, các bệnh nhân tại địa phương thì do áp dụng giãn cách xã hội cũng có nhiều bước điều trị bị trì hoãn, nay sẽ tái khởi động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đơn vị hiện đang tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân, điều trị ở tất cả các chuyên khoa. Bệnh viện hiện đã sẵn sàng cho năng lực tiếp nhận, điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân ở tất cả các chuyên khoa. Theo TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, các bệnh nhân lâu nay trì hoãn mổ, các bệnh nhân bị các bệnh mãn tính... tư vấn điều trị tại nhà do dịch Covid-19, sẽ được khám trở lại tại bệnh viện.
“Chúng tôi sẵn sàng quy trình mới để rút ngắn tối đa khâu hành chính bằng công nghệ. Thay vì các thủ tục chỉ làm giờ hành chính, thì sẽ tăng ở các khung giờ ca kíp trực, kể cả kíp ban đêm. Tăng cường lịch hoạt động ở các phòng mổ, gây mê với quy trình khép kín, liên tục và phân tầng đánh giá hằng ngày”, TS-BS Nhân nói.
TS-BS Nhân cho biết nhu cầu người bệnh tại địa phương đặt lịch qua đường dây nóng, tổng đài tin nhắn hẹn nhiều. Các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu hồi sức ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng sẵn sàng các điều kiện phòng chống dịch để khi Đà Nẵng nới lỏng, mở cửa thì sẽ chuyển bệnh ra xử lý.
Thừa Thiên - Huế áp dụng quy trình phản ứng nhanh
Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời phòng chống dịch Covid-19, tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều đã kích hoạt quy trình phản ứng nhanh, sàng lọc Covid-19 tại các bệnh viện.
Theo đó, các bệnh viện từ tuyến huyện đến tỉnh đều thiết lập bộ phận sàng lọc bệnh nhân Covid-19, ngay từ đầu vào để phân loại trước khi chuyển vào các khoa, phòng chức năng điều trị.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều phải khai báo đăng ký đến Huế, qua Hue-S. Sau khi được khám sàng lọc và xét nghiệm Covid-19, bệnh nhân được chuyển các khoa điều trị. Mỗi bệnh nhân chỉ được đăng ký 1 người nhà chăm sóc và tuyệt đối không được mang đồ ăn, thức uống bên ngoài vào bệnh viện.
Đối với bệnh ngoại tỉnh và đến từ vùng có dịch được tiếp nhận và điều trị riêng tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế (tại H.Phong Điền) và bệnh viện tổ chức xe đón từ chốt kiểm soát Lăng Cô (phía nam) và chốt phía bắc tại H.Phong Điền. Tại đây, bệnh nhân vừa được điều trị vừa cách ly, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Tại Thừa Thiên - Huế, bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng sẽ được thu dung điều trị tại Bệnh viện dã chiến tại Trường cao đẳng Nghề số 23 (tại TX.Hương Thủy); bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc) và Bệnh viện Phổi của tỉnh Thừa Thiên - Huế (tại P.Hương Sơ, TP.Huế); bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế (tại H.Phong Điền).
|
Đồng Nai vẫn bảo đảm năng lực điều trị tại các bệnh viện
Theo Sở Y tế Đồng Nai, trong thời gian qua, ngoài 11 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ, thì hầu hết bệnh viện lớn trên địa bàn đều triển khai khu điều trị Covid-19 (khoảng 700 giường cho bệnh nhân nặng thuộc tầng 3) song song với công tác cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường.
Tính đến ngày 25.9, toàn tỉnh Đồng Nai đang điều trị cho 12.782 bệnh nhân F0. Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay năng lực điều trị cho các bệnh nhân không Covid-19 vẫn được đảm bảo. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đều trống giường, kể cả những cơ sở lớn trước đây thường xuyên đông bệnh nhân như Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi Đồng Nai.
Theo bác sĩ Vũ, lý do là nhiều bệnh như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt giảm nhiều. “Đặc biệt là chấn thương chỉnh hình, chấn thương sọ não gần như giảm bằng không, vì có ai đi ra đường đâu mà có tai nạn” - bác sĩ Vũ nói. Còn những bệnh như ung thư, đường hô hấp, sản vẫn bình thường.
Trong khi đó, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết trước đây trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân khám bảo hiểm y tế, bây giờ giảm xuống 1.000 người, có ngày chỉ vài trăm. Tại phòng cấp cứu cũng giảm mạnh, chỉ trên dưới 100 ca ngày (trước đây trên 200 ca/ngày).
Về nhân lực, bác sĩ Tuấn cho biết có thiếu nhân lực do phải chi viện cho điều trị Covid-19, nhưng bệnh viện vẫn sắp xếp, duy trì đội ngũ bác sĩ khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân.
Bình luận (0)