Ngày 25.9, trả lời PV Thanh Niên về kế hoạch của ngành y tế sau 30.9, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã có kế hoạch trình UBND TP.HCM, khi được thông qua mới ban hành thực hiện. Theo BS Mai, nhiều người dân vẫn đang chờ tình hình ổn định trở lại để đi khám chữa bệnh (KCB), mặc dù hiện tại người dân cần KCB, cấp cứu thì tất cả các bệnh viện (BV) đều sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân (BN) không mắc Covid-19. Tuy nhiên, để an toàn, BN đều phải được sàng lọc, test nhanh Covid-19.
Dù vậy, trên thực tế Thanh Niên trong tuần qua ghi nhận vẫn còn những khó khăn trong việc KCB thông thường ở TP.HCM. Điển hình là trường hợp bé L.C (3 tuổi) con chị L.A.Đ (ngụ Q.Phú Nhuận) bị tai nạn sinh hoạt rách trán 1 đường khá dài. Chị đưa con đến Trung tâm y tế Q.3, nhưng nơi này nói đang điều trị Covid-19 nên chị đưa con đi BV Q.1. Do nơi này khá đông và chờ lâu nên chị lại phải đưa con đến BV Nhi đồng 2. Sau khi khai báo y tế, đóng tiền 605.000 đồng thì mẹ con chị Đ. được test nhanh Covid-19, sau đó đóng tiền khám, khám xong thì đi đóng tiền tiểu phẫu…
“Chỉ 1 vết thương nhỏ nhưng đi lòng vòng và quy trình khá rườm rà nên mất hết cả buổi trời. Mong sao dịch bệnh mau qua để BV KCB trở lại như bình thường, BN đỡ vất vả hơn”, chị Đ. nói.
Bệnh viện vùng xanh sẽ “sạch” Covid-19
Trong nhiều tháng qua, trước áp lực gia tăng ca nhiễm Covid-19, nhiều BV ở TP.HCM đã “tách đôi” (tức là thêm chức năng điều trị Covid-19). Sở Y tế TP.HCM đang dự tính kế hoạch đưa các BV trở lại hoạt động KCB bình thường mới.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, từ ngày 22.9, TP.HCM thí điểm chuyển đổi công năng trở về KCB không Covid-19 đối với 3 cơ sở y tế thuộc vùng xanh: Trung tâm y tế Cần Giờ, BV Q.7, BV đa khoa khu vực Củ Chi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế này vẫn phải đảm bảo 1 khu vực cách ly, để cách ly tạm thời các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Cụ thể là có một khu vực từ 10 - 20 giường, có bình ô xy, để đối với trường hợp mắc Covid-19 nặng thì cấp cứu kịp thời trước khi chuyển lên tuyến điều trị Covid-19.
H.Củ Chi là một trong các huyện của TP.HCM cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 và trở thành vùng xanh. Trên địa bàn huyện này có 2 BV: BV H.Củ Chi và BV đa khoa khu vực Củ Chi. Từ sau 30.9, BV H.Củ Chi vẫn giữ vai trò điều trị Covid-19 hoàn toàn; còn BV đa khoa khu vực Củ Chi chuyển các BN Covid-19 về BV H.Củ Chi để tiến hành tiếp nhận các bệnh khác, kết thúc vai trò BV “tách đôi”.
BS Nguyễn Thành Phương, Giám đốc BV đa khoa khu vực Củ Chi, cho biết trước khi có dịch Covid-19 xảy ra, mỗi ngày BV KCB khoảng 2.000 BN ngoại trú và 800 BN nội trú. Từ khi có dịch, BV nhận nhiệm vụ BV “tách đôi”. Lúc này, BN các bệnh khác đã giảm hơn một nửa. Theo BS Phương, việc giảm BN đến BV một phần là do BN ngại đi BV, một phần do sự kiểm soát chặt khi tăng cường giãn cách nên BN các tỉnh lân cận không vào được (bình thường chiếm 40%).
Cần Giờ cũng là địa phương đạt tiêu chí vùng xanh và cơ sở KCB (hiện làm công năng BV điều trị Covid-19 Cần Giờ) của Trung tâm y tế H.Cần Giờ đã ngừng tiếp nhận BN Covid-19 mới. Dự kiến khi BN Covid-19 ổn định và giải phóng hết, trong tháng 10.2021 thì nơi này sẽ hoạt động KCB bình thường.
Bệnh viện “tách đôi” sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân không Covid-19
Trong khi đó, lãnh đạo BV đa khoa trung tâm hạng 1 hàng đầu ở TP.HCM là BV Nhân dân 115 cũng mong mỏi dịch bệnh đi qua để mọi hoạt động trở lại bình thường mới. Khi đó tâm lý BN yên tâm hơn để có thể đến BV cho BS thăm khám, điều chỉnh thuốc sau thời gian dài ở nhà. Hiện nay, khu vực BN bảo hiểm y tế đã bắt đầu trở lại khám mỗi ngày khoảng hơn 200 BN, đa số đã được tiêm vắc xin Covid-19.
“BV nhận nhiệm vụ “tách đôi”, lực lượng chia đôi. Một phần khu nhiễm tiếp nhận BN Covid-19, hiện còn 350 BN, giảm 35% so với lúc trước, đặc biệt là giảm BN nặng. Một phần “sạch” tiếp nhận BN khác với khoảng 400 - 500 BN nội trú. Số BN cấp cứu hiện mỗi ngày là 100, trong đó qua sàng lọc thì có đến 20 người nhiễm Covid-19, nhưng đã giảm rất nhiều so với trước đây”, BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115, chia sẻ.
“Trước khi có dịch, chúng tôi đã cho BN thuốc 2 - 3 tháng với người có bệnh ổn định và điện thoại liên hệ, tư vấn. Nay đến chu kỳ hết thuốc nên dự kiến số BN sẽ đến đông hơn, nhưng cũng sẽ không quá đông do một phần còn hạn chế đi lại”, BS Sóng nhận định.
|
Bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim đã sẵn sàng
BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cũng cho rằng sau 30.9, tùy vào mức độ nới giãn cách mà BN sẽ vào BV đông hay không, bởi nhiều tháng qua BN ung thư không đến BV vì chờ khi hết dịch.
“Chúng tôi xây dựng 2 kế hoạch cho giai đoạn sau 30.9. Đầu tiên là củng cố lại hệ thống phòng dịch là kiểm soát BN, tăng nhân lực nơi lấy mẫu BN đến khám; tuyên truyền BN tự khai báo y tế trước khi đến BV. Kế hoạch thứ 2 là sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, vì BV đã chia khoảng 600 nhân sự cho 2 BV khác chống dịch”, BS Tuấn thông tin.
BS Tuấn cho biết BV đã yêu cầu các khoa cải cách hành chính làm sao để khi BN đến khám thì điều trị liền, tránh hẹn tới hẹn lui, làm sao trong vòng 3 ngày, để BN vào nội trú giải quyết mổ, hóa trị, xạ trị… “Mong rằng dịch bệnh ổn, sẽ rút nhân sự về để lo cho BN ung thư. Bình thường không có dịch, mỗi ngày có 4.000 BN ngoại trú và 1.000 BN nội trú”, BS Tuấn nói.
Giám đốc Viện Tim TP.HCM Bùi Minh Trạng cho biết trong những ngày dịch bệnh diễn ra, Viện Tim TP.HCM vẫn khám như bình thường, mỗi ngày khoảng 150 BN, nếu nghi ngờ BN Covid-19 thì sàng lọc, xét nghiệm. Viện Tim TP.HCM cũng mổ đối với BN có chỉ định, mỗi tuần mổ từ 5 - 6 ca.
Ngoài ra, Viện Tim TP.HCM cũng có tổ chức tiếp nhận cấp cứu có máy thở, ô xy nhưng vào cấp cứu là test nhanh Covid-19 100%. Tuy nhiên, BN hiện nay chỉ bằng 1/10 so với thường kỳ nên Viện Tim TP.HCM tổ chức tư vấn qua điện thoại và điều chỉnh thuốc, kê toa cho mua ở tỉnh, hoặc gửi mua TP.HCM. Đối với BN nặng nhưng không lên TP.HCM được thì khuyến cáo xét nghiệm, nhập viện tại địa phương khi cần thiết.
“Khi mở cửa lại, F0 khỏi bệnh vào các BV sẽ rất nhiều. Vào BV thì khả năng xét nghiệm sẽ dương tính vì có nhiều BN đào thải vi rút rất chậm, làm sao để tránh phân biệt đối xử với diện BN này. Cần có cơ sở dữ liệu BN Covid-19 khỏi bệnh để các BV căn cứ vào đó đánh giá cho chính xác, bởi nếu phải xét nghiệm lại thì sẽ gây gánh nặng kinh phí cho BN”, Giám đốc Viện Tim TP.HCM đề nghị.
Bình luận (0)