Đại biểu 'truy' Bộ trưởng đối sách ứng phó 'sự cố' thương mại với Trung Quốc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/11/2019 11:37 GMT+7

Đại biểu Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về kịch bản đối phó việc Trung Quốc đơn phương đột ngột ngừng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sáng 7.11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) nêu vấn đề việc 9 tháng đầu năm nay nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột tăng đột biến lên mức 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nguyên nhân là do tăng nhập hay giảm xuất là chính?
“Bộ Công thương đã có kịch bản nào để đối phó với việc phía Trung Quốc đơn phương đột ngột ngừng nhập khẩu một số hàng hoá của ta mà chủ yếu là nông thuỷ sản, những sản phẩm không thể bảo quản lâu được, trong  khi hàng hoá của Trung Quốc vẫn cứ ùn ùn đổ vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tăng cao nhất từ trước đến nay trong một thời gian rất ngắn”, đại biểu Hiếu chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,4%, tuy nhiên, riêng đối với Trung Quốc thì sụt giảm, trong đó nông sản, thủy sản sụt 6% so với năm 2018.
“Nguyên nhân đầu tiên là khác quan do phía Trung Quốc”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, và cho biết, hiện nay Trung Quốc đang siết chặt quy định kiểm soát nhập khẩu liên quan tới truy xuất nguồn gốc kiểm soát động thực vật liên quan tới tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kỹ thuật canh tác…

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương sáng 7.11

Ảnh Gia Hân

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các quy định kiểm soát này là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiều nước cũng đang áp dụng, tuy nhiên, chúng ta có sự lúng túng bỡ ngỡ trong thời gian qua.
Nguyên nhân thứ 2, theo Bộ trưởng Tuấn Anh, là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên Trung Quốc giảm nhập khẩu. Vì lý do này, nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị sụt giảm không chỉ với nông thủy sản mà còn sản phẩm dệt may, điện tử…
“Các nhà đầu tư nước ngoài đóng cửa cơ sở sản xuất tại Trung Quốc dẫn đến các linh kiện thiết bị của các cơ sở điện tử và nhất là điện thoại thông minh của Samsung cũng không xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng sản phẩm này đã mất đã mất hơn 1 tỉ đô la trong 9 tháng đầu năm vừa qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Liên quan tới phương án đối phó khi có sự cố xảy ra trong hoạt động thương mại với Trung Quốc, Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục xây dựng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, xây dựng các mối quan hệ hợp tác hữu nghị và trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích cũng như cùng có lợi.
Đây là nguyên tác quan trọng cơ bản không chỉ trong thương mại và cả trong đối ngoại và quan hệ với Trung Quốc cũng dựa trên nền tảng này”, Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định đường lối chủ trương này đang được thực hiện rất nghiêm túc, kịp thời và sẽ luôn có sự chủ động trong mọi tình huống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.