Trong phiên khai mạc Đại hội XIII, sáng 26.1, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khóa XII. Nhận định chung, báo cáo cho rằng T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII đã chủ động, kịp thời vào cuộc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời, hiệu quả của T.Ư Đảng trên tất cả các lĩnh vực.
Lãnh đạo toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực
Về cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và lãnh đạo KT-XH, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Trần Quốc Vượng cho hay T.Ư đã lựa chọn 10 nội dung lớn, toàn diện về KT-XH đưa vào chương trình làm việc toàn khóa. Trên cơ sở đó, T.Ư đã chỉ đạo xây dựng đề án, thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược về phát triển KT-XH của đất nước.
Hằng năm, T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước; chủ động xác định chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trong quốc phòng, an ninh, đối ngoại, BCH T.Ư đặc biệt quan tâm cho ý kiến đối với một số vấn đề chiến lược, quan trọng, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, an ninh quốc gia... BCH T.Ư cũng đã kịp thời ban hành nghị quyết xác định rõ chủ trương, giải pháp để thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo ông Trần Quốc Vượng, T.Ư đã nghiên cứu, ban hành nhiều quy định để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Công tác cán bộ được chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, nhất là phương pháp đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ; có cơ chế tạo động lực đổi mới, sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ủy viên BCH T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng đã được lãnh đạo thường xuyên, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ, đã xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao, gồm 1 ủy viên Bộ Chính trị, 3 ủy viên T.Ư Đảng, 3 nguyên ủy viên T.Ư Đảng bằng các hình thức khai trừ, cách chức, cho thôi giữ chức vụ.
T.Ư đã ban hành các nghị quyết trên các lĩnh vực thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức bộ máy; cải cách chính sách tiền lương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Công tác cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng được BCH T.Ư quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, bài bản, được sự ủng hộ của nhân dân, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
“Nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân…”
Kiểm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo cáo cũng đã điểm ra 8 ưu điểm lớn trên các lĩnh vực, cả về triển khai các nội dung bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp phát sinh, nhất là về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế…
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra 5 khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có lãnh đạo triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường ở nhiều nơi còn bất cập; lãnh đạo quy hoạch phát triển KT-XH ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, khắc phục những tồn đọng kéo dài nhiều năm còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách; chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án lớn quốc gia, đổi mới, cổ phần hóa, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế để khắc phục, tháo gỡ những chồng chéo, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Thứ tư, lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng trong một số việc còn chưa sâu sát, toàn diện; cơ chế phân cấp trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng chức năng khi xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động. Vì vậy, vẫn còn để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Thứ năm, chưa tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân; hoạt động của các đoàn thể chưa đồng đều.
“Những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ... BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu.
Đánh giá chung, báo cáo khẳng định: “Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối, đưa ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”. T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề thuận lợi cho những nhiệm kỳ tiếp theo.
Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã “tạo dấu ấn quan trọng”Nhiệm kỳ vừa qua, đã có 36 đoàn kiểm tra do các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn được thành lập, kiểm tra đối với 110 lượt tổ chức Đảng; xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, một số trường hợp phải xử lý hình sự…
Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm, liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được cho là đã “tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”. Bộ Chính trị đã kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên T.Ư Đảng, 2 nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 2 thứ trưởng Bộ Công an không phải là ủy viên T.Ư Đảng.
Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 người nguyên là ủy viên T.Ư Đảng.
|
Bình luận (0)