Dân tố bị chiếm nhà, cơ quan tố tụng hành xử trái ngược nhau: Hướng dẫn dân đi kiện người bẻ khóa chiếm nhà

Phan Thương
Phan Thương
15/06/2020 08:33 GMT+7

Cùng hành vi tự bẻ khóa vào chiếm nhà người khác, cơ quan tố tụng nơi thì khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử; nơi lại cho là dân sự khiến người dân khổ sở đi đòi tài sản hợp pháp.

Sau khi mua căn nhà hợp pháp và cập nhật biến động sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai, chủ sở hữu khóa cửa chưa ở thì bị người khác phá khóa vào chiếm dụng. Cơ quan công an từng khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”, nhưng Viện KSND không đồng tình nên đành hủy quyết định khởi tố và hướng dẫn người dân đi kiện đòi nhà.
Ông Đ.V.H (ngụ Tiền Giang) có đơn gửi Báo Thanh Niên trình bày tháng 5.2018, các đồng sở hữu nhà đất tại một địa chỉ trên đường Bà Hom (Q.6, TP.HCM), do bà N.T.H.L đại diện ủy quyền bán lại căn nhà này cho ông. Việc mua bán được thực hiện công chứng hợp pháp và cập nhật biến động sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.6. Ngày 12.6.2018, bên bán bàn giao nhà cho ông. Sau khi nhận nhà, ông Đ.V.H khóa cửa, chưa ở thì gia đình bà N.T.N vào chiếm giữ, ở cho đến nay.

Bẻ khóa vào nhà người khác

Trước đó, nhà đất ông Đ.V.H mua là đối tượng tranh chấp trong vụ án “đòi nhà cho ở nhờ” giữa nguyên đơn là vợ chồng cụ D.T.B và bị đơn là bà N.T.T cùng con là N.V.T. Năm 1991, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc gia đình bà N.T.T phải hoàn trả lại nhà cho vợ chồng cụ D.T.B.
Sau phiên tòa, bị đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đến khi bị đơn mất thì bà N.T.N (vợ ông N.V.T), người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn, tiếp tục khiếu nại. Tuy nhiên, vào các năm 2013, 2015 và 2018, Viện KSND tối cao và TAND tối cao lần lượt có thông báo không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án phúc thẩm theo đơn đề nghị của bị đơn cũng như bà N.T.N.
Sau khi bản án có hiệu lực vào năm 1991 thì tháng 10.1992, cơ quan chức năng cưỡng chế di dời gia đình bà N.T.N ra khỏi căn nhà. Kể từ đó gia đình bà N.T.H.L (con cụ D.T.B) ở trong căn nhà này và đến tháng 6.2018 bà H.L bán, bàn giao nhà cho ông Đ.V.H. Tại thời điểm bà H.L bàn giao nhà cho ông Đ.V.H, bà N.T.N xông vào nhà cản trở, đe dọa người mua, dẫn đến ông Đ.V.H phải cầu cứu Công an P.13, CS 113 đến giải quyết. Cuối cùng Công an P.13 đã yêu cầu các bên ra ngoài, khóa cửa nhà ngay sau sự việc. Tuy nhiên vài ngày sau, khi căn nhà vẫn đang khóa thì gia đình bà N.T.N phá khóa, chiếm nhà.
Theo ông Đ.V.H, việc hỗn loạn trong khi ông nhận bàn giao nhà được công an giải quyết, sau đó công an khóa cổng và giao chìa khóa cho phía bên ông giữ. Nhưng gần 1 tuần sau, ông được báo là căn nhà bị phá khóa. Vì vậy, từ ngày 13.7.2018, ông Đ.V.H gửi đơn tố giác tội phạm đối với những người chiếm nhà của mình là bà N.T.N, N.T.H.H và ông N.T.L.

Người mua chưa ở ngày nào nên không thể xử lý (!?)

Qua đơn tố giác tội phạm của ông Đ.V.H và xác minh vụ việc, ngày 10.2.2019, Cơ quan CSĐT Công an Q.6 khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Để khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã áp dụng điểm d khoản 1 điều 158 bộ luật Hình sự năm 2015, xác định gia đình bà N. đã “xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác”. Tuy nhiên, Viện KSND Q.6 cho rằng dù ông Đ.V.H là chủ sở hữu hợp pháp nhà đất nhưng thực tế ông này chưa ở ngày nào nên gia đình bà N.T.N không phạm vào tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Từ đó, ngày 11.11.2019, Cơ quan CSĐT Công an Q.6 ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án liên quan. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng Q.6 hướng dẫn ông Đ.V.H khởi kiện dân sự vụ việc ra TAND Q.6; yêu cầu tòa buộc gia đình bà N. ra khỏi nhà và bồi thường thiệt hại (nếu có) để bảo đảm quyền lợi chính đáng về tài sản của mình.
Không đồng ý với kết quả giải quyết đơn thư tố giác tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng Q.6, ông Đ.V.H tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Quận ủy Q.6, Công an và Viện KSND TP.HCM, Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM... Lúc này, các cơ quan tố tụng cũng như chính quyền Q.6 cũng tính đến phương án xử lý gia đình bà N. về hành vi sử dụng trái phép tài sản theo điều 177 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi này thì trước đó người vi phạm phải bị xử lý hành chính, song kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm (12.6.2018) đến nay, cơ quan chức năng chưa xử phạt hành chính gia đình bà N., dẫn đến sau 1 năm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính...
Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chính quyền Q.6 đang lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm của gia đình bà N.T.N trong khoảng 2 năm nay, tài sản hợp pháp của ông Đ.V.H vẫn tiếp tục bị xâm phạm... (còn tiếp)

Không thể để xảy ra tình trạng chiếm nhà người khác

Về nội dung kêu cứu của ông Đ.V.H đề nghị xử lý gia đình bà N.T.N về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”, lãnh đạo Viện KSND TP.HCM cho biết vụ việc đang được Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM chủ trì yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tại TP.HCM cũng như Q.6 nghiên cứu giải quyết lại vụ việc. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương Ngọc Hải, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, cho biết do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất với nhau về cách xử lý, vì vậy, ở góc độ quản lý, giám sát, Ban Nội chính Thành ủy đã yêu cầu Công an TP.HCM xin ý kiến Bộ Công an để xử lý đối tượng vi phạm về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. “Cơ quan quản lý nhà nước phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không thể để tình trạng chiếm nhà người khác ở được. Phải xác minh, xử lý nghiêm và triệt để hành vi trái pháp luật của người vi phạm”, ông Dương Ngọc Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.