Đầu cơ khẩu trang y tế mùa dịch, làm sao để xử lý hình sự?

Phan Thương
Phan Thương
05/04/2020 06:38 GMT+7

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại TP.HCM đang tồn tại một số vụ việc đầu cơ khẩu trang y tế rất lớn, cơ quan chức năng muốn xử lý hình sự để răn đe nhưng vướng quy định pháp luật.

Trong khi các bộ, ngành nỗ lực để sản xuất, cung ứng đủ 30 triệu khẩu trang y tế cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, thời gian qua vẫn còn nhiều vụ thu gom, đầu cơ lớn mặt hàng này gây khan hiếm thị trường mà chưa thể xử lý mạnh tay.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại TP.HCM đang tồn tại một số vụ việc đầu cơ khẩu trang y tế rất lớn, cơ quan chức năng muốn xử lý hình sự để răn đe nhưng vướng quy định pháp luật.

Quảng Ninh: Không đeo khẩu trang thì không được vào chợ

Chờ xin ý kiến hướng dẫn

Một trong những vụ việc thu hút sự chú ý và gây bức xúc dư luận thời gian qua liên quan đến bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Q.Gò Vấp (TP.HCM). Ban đầu, ông Quốc bị tố cáo thu gom nhiều tỉ đồng khẩu trang để bán lại cho nhóm người xuất đi nước ngoài với giá cao nhằm kiếm lời.
Quá trình xác minh, lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp đánh giá vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với bác sĩ Quốc, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra Công an Q.Gò Vấp làm rõ.
Đến nay, qua điều tra và lấy lời khai các bên, cơ quan tố tụng Q.Gò Vấp nhận định hành vi của bác sĩ Quốc là đầu cơ, nhưng lại chưa thể xử lý hình sự vì khẩu trang không phải mặt hàng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được nhà nước định giá.
Liên quan đến vụ việc nhóm người Trung Quốc móc nối với các đầu nậu người Việt mua gom số lượng lớn khẩu trang y tế bị Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) triệt phá hôm 9.3, trung tá Huỳnh Thiên Sơn, Phó đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế Q.Bình Tân, cho biết công an vẫn đang tạm giữ tang vật là lô hàng 112 thùng khẩu trang (275.000 chiếc) để chờ xin ý kiến xử lý. “Hiện tại chúng tôi đã xác định được chủ lô hàng có hành vi đầu cơ, vơ vét gom hàng số lượng lớn. Hồ sơ vụ việc tiếp tục được củng cố để khi có hướng dẫn sẽ xử lý nhanh”, trung tá Sơn thông tin thêm.     Trần Tiến
Tương tự, ngày 9.3.2020, Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) phát hiện Lê Văn Leo (24 tuổi, quê Bắc Giang), Chen Shichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) có hành vi đầu cơ lớn khẩu trang y tế. Cụ thể, Leo từ Bắc Giang vào TP.HCM tổ chức mua khẩu trang y tế để bán lại cho nhóm người Trung Quốc nhằm kiếm lời. Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp thu giữ 112 thùng carton chứa khẩu trang y tế; trong đó 43 thùng chứa khẩu trang loại 3 lớp và 69 thùng chứa khẩu trang loại 4 lớp. Trước mắt, cơ quan công an cũng chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ hàng hóa để phục vụ công tác điều tra.
Một trường hợp khác, Đội 3 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM phối hợp Đội quản lý thị trường số 14 - Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành kiểm tra một kho hàng trên đường Lương Thế Vinh, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, phát hiện khoảng 1 triệu khẩu trang y tế tại đây. Những người liên quan khai mua gom khẩu trang y tế để đưa qua Campuchia bằng xe khách; sau đó từ Campuchia sẽ chuyển số hàng này sang Trung Quốc.
Hiện những vụ việc trên, các cơ quan liên quan đều đang chờ xin ý kiến hướng dẫn để xử lý nghiêm minh.

Bác sĩ Việt Nam tự sản xuất khẩu trang ứng phó đại dịch Covid-19

Kiến nghị cần làm ngay

Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, muốn xử lý hình sự hành vi đầu cơ để thu lợi bất chính đối với mặt hàng khẩu trang y tế thì mặt hàng này phải nằm trong danh mục hàng hóa bình ổn giá hoặc hàng hóa được nhà nước định giá. Trong khi đó, theo Nghị định số 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá thì khẩu trang y tế tại thời điểm hiện nay chưa thuộc 2 danh mục trên.
Luật sư Cường phân tích thêm: trường hợp muốn đưa khẩu trang y tế vào danh mục mặt hàng bình ổn giá thì Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định.
“Căn cứ điều 61 luật Tổ chức Quốc hội, khi cần thiết UBTVQH họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất 1/3 tổng số thành viên UBTVQH. Do đó, để tạo hành lang pháp lý xử lý các cá nhân có hành vi đầu cơ mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch này, các cơ quan liên quan cần tham mưu Thủ tướng đề xuất đưa ngay nội dung này vào kỳ họp UBTVQH lần kế tiếp, thậm chí họp bất thường nhằm trong thời gian ngắn nhất đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá”, luật sư Cường kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng căn cứ vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu thiết yếu của khẩu trang y tế thì các cơ quan tham mưu cần trình Chính phủ đưa mặt hàng này cùng một số vật tư, trang thiết bị y tế vào danh mục mặt hàng bình ổn giá ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 06 ngày 31.1.2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Độ, Chỉ thị 06 có nêu: “Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, tuy nhiên đến nay việc đầu cơ khẩu trang vẫn còn tồn tại nhưng không thể xử lý nghiêm được là do phản ứng của cơ quan chức năng liên quan chưa kịp thời.
“Trong trường hợp cấp bách liên quan đến dịch bệnh như hiện nay, việc ban hành và đưa vào thực thi ngay nghị định bổ sung khẩu trang y tế và một số vật tư, trang thiết bị y tế vào danh mục hàng hóa bình ổn giá là rất cần thiết. Thực tế, ta từng có Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được ký ban hành ngày 30.12.2019 nhưng có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1.1.2020 và rất được người dân đồng tình”, ông Độ phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.