Gom khẩu trang y tế để đầu cơ trong dịch Covid-19, xử lý hình sự được không?

Phan Thương
Phan Thương
15/02/2020 14:00 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp luật, nếu xảy ra tình trạng đầu cơ khẩu trang y tế nhằm thu lợi bất chính trong mùa dịch Covid-19, cơ quan chức năng cần can thiệp kịp thời.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới của virus corona (dịch Covid-19) gây ra, rất nhiều người đã và đang "mua vét" khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn,... nhằm đầu cơ để bán ra lại thị trường với giá cao hơn.

Tròn mắt với “công nghệ” dùng giấy vệ sinh làm khẩu trang y tế cao cấp

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ảnh: Diệu Linh

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi đầu cơ khẩu trang trước dịch bệnh là hành vi vi phạm đạo đức, tuy nhiên chưa có chế tài xử lý hình sự.
Cụ thể, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp, nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết thì hành vi găm hàng, gom hàng để bán mặt hàng này với giá cao gấp nhiều lần bình thường là vi phạm đạo đức kinh doanh và là hành vi vi phạm pháp luật.

Đầu cơ trong dịch bệnh là vi phạm đạo đức kinh doanh

Theo luật sư Trần Minh Cường, trường hợp chủ tiệm có khẩu trang nhưng không bán thì bị gọi là găm hàng. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng theo điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, người nào găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài ra, luật sư Trần Minh Cường còn cho biết theo khoản 1 điều 46 Nghị định này, người nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.

Hàng trăm người xếp hàng dài dằng dặc mua khẩu trang y tế vì sợ virus corona

Cũng theo luật sư Cường, việc đầu cơ hàng hóa, đặc biệt là khẩu trang trong giai đoạn này là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng.
Nhưng hành vi đầu cơ, găm hàng bán giá cao tại thời điểm hiện nay chưa thể xử lý hình sự được. Bởi, theo Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “đầu cơ”, nêu người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù.

Đưa khẩu trang y tế vào danh mục bình ổn giá?

“Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/ của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế tại thời điểm hiện nay không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Do đó tại thời điểm này chưa thể xem xét khởi tố hình sự đối với hành vi đầu cơ kinh doanh mặt hàng khẩu trang”.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra thị trường khẩu trang

Ảnh: Chí Hiếu

Theo luật sư Cường, nếu Chính phủ đưa khẩu trang y tế vào danh mục mặt hàng bình ổn giá tạm thời để trợ giúp phòng dịch thì việc găm hàng, đầu cơ để bán lại giá cao thu lợi có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, nếu trong thời gian tới, thị trường khẩu trang y tế rơi khan hiếm, và có tình trạng đầu cơ xảy ra trong mùa dịch Covid-19, thì việc Chính phủ can thiệp là phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.