Trong ngày Voi thế giới 12.8 năm nay, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quyết định cho tiêu hủy hàng chục tấn ngà voi, sừng tê giác các cơ quan chức năng bắt giữ trong nhiều vụ án liên quan đến tội phạm kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã, sản phẩm động vật trái phép.
Theo ENV, những năm gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định quyết tâm, nỗ lực phòng chống tội phạm về voi.
ENV cho rằng, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác đã sớm trở thành thông lệ quốc tế, thể hiện quyết tâm ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã của các quốc gia. Thống kê từ 1989 đến nay, đã có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác trong các vụ án.
Tháng 11.2016, cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác. Nhưng đến nay, Việt Nam chưa tổ chức thêm bất kỳ sự kiện tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác tập trung nào, dù số lượng tang vật thu giữ tăng lên đáng kể. Theo ước tính, hiện có hàng chục tấn ngà voi, sừng tê giác bắt giữ trong các vụ án đều được chuyển đến cơ quan Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính).
Theo ENV, việc lưu giữ một số lượng lớn ngà voi và sừng tê giác gây lãng phí ngân sách nhà nước mà còn gia tăng nguy cơ tội phạm chức vụ liên quan đến quản lý số tang vật này.
Trước đó, năm 2013, cán bộ của cục Thi hành án tỉnh Nghệ An có hành vi trộm cắp 200 kg ngà voi trong kho tang vật, thu lợi bất chính 5 tỉ đồng.
Năm 2018, hai cán bộ quản lý kho tang vật của Cục Hải quan Hà Nội đã có hành vi đánh tráo, chiếm đoạt gần 240 kg ngà voi, 6 kg sừng tê giác thu lợi bất chính 3 tỉ đồng.
Các đối tượng trong 2 vụ án trên đều đã bị tòa án địa phương xét xử theo đúng quy định pháp luật và cho thấy rủi ro lớn trong việc tiếp tục lưu giữ tang vật là ngà voi và sừng tê giác.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, ENV kiến nghị xem xét tổ chức tiêu hủy thường niên vào ngày 3.3 hàng năm, ngày được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lựa chọn là Ngày động vật hoang dã thế giới.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, cho rằng việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác từ lâu đã trở thành thông lệ quốc tế, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các tội phạm về động vật hoang dã tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“ENV kiến nghị và khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tiêu hủy thường niên đối với ngà voi, sừng tê giác và tang vật bị tịch thu để có thể góp phần ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã, giảm tình trạng quá tải trong các kho dự trữ nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước cũng như tránh những hệ lụy không đáng có từ hoạt động lưu trữ tang vật này”, bà Hà nói.
Trước đó, ngày 23.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị 29, chỉ đạo Bộ Tài chính cung cấp thông tin số liệu ngà voi, sừng tê giác đã được tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản; chủ trì và phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)