Sáng 5.2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 26 để thẩm tra sơ bộ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo tờ trình của Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, sau 7 năm thi hành (từ năm 2013), luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số bất cập lớn, trong đó có mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe. Từ đó, dự án luật sửa đổi lần này đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực.
Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; bảo vệ người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng...
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung mức tiền phạt tối đa cho 6 lĩnh vực, gồm: tín ngưỡng (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng); in và an toàn thông tin mạng (50 triệu đồng); sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
Tại phiên họp, đa số đại biểu nhất trí với đề xuất tăng mức tiền phạt hành chính này.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn lại việc dư luận xã hội rất bất bình về việc xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với hành vi dâm ô, và cho rằng việc phải tăng mức phạt ở một số lĩnh vực cần theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
“Tránh tình trạng do có dư luận nên tăng tất cả mà chưa tính đến trong lĩnh vực đó chúng ta chưa sử dụng hết mức phạt tối đa mà luật đã cho phép”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Hồ sơ dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 42 (tháng 2.2020).
Bình luận (0)