Đi máy bay bằng giấy tờ giả bị xử lý thế nào?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
09/08/2018 11:29 GMT+7

Đi máy bay bằng giấy tờ giả sẽ bị phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng. Tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm bay.

Mới đây, một nam hành khách khai nhận tên thật là N.N.Đ.H. bị nhân viên Đội An ninh soi chiếu quốc nội, Sân bay quốc tế Nội Bài, phát hiện dùng chứng minh nhân dân (CMND) giả để đi máy bay. CMND này của hành khách tên H.Z., khi kiểm tra nhân viên an ninh phát hiện ảnh trên CMND không giống với người sử dụng CMND. Ngay lập tức, nhân viên An ninh hàng không yêu cầu anh H. về Đội An ninh cơ động để làm rõ vụ việc.
Khai nhận với cơ quan chức năng, H. thừa nhận do bị mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân nên đã mượn CMND của anh H.Z. để mua vé từ Hà Nội đi TP.HCM. An ninh hàng không từ chối hoàn thành thủ tục cho anh H. Anh H. sẽ bị nhà chức trách xử phạt theo quy định.
Đi giấy tờ giả có thể bị cấm bay
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo thông tư 45/2017/TT-BGTVT (Bộ GT-VT ban hành Thông tư 45/2017/TT-BGTVT về sửa đổi Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không VN - PV), kể từ ngày 15.1.2018, có sự thay đổi trong quy định về giấy tờ tuỳ thân đối với hành khách là người Việt Nam đi máy bay.
Theo đó, hành khách là người Việt Nam khi làm thủ tục bay trên các chuyến bay nội địa được sử dụng các loại giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, CMND, thẻ căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ đại biểu Quốc hội; thẻ của Uỷ ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia.
LS Trang phân tích giấy xác nhận nhân thân có thông tin cơ bản như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận, có ảnh đóng dấu giáp lai. Đối với hành khách vừa chấp hành xong bản án phải có giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai. Các loại giấy xác nhận nói trên chỉ có có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
"Nếu khi đi máy bay bằng giấy tờ giả bị nhà chức trách hàng không phát hiện thì sẽ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính. Trong trường hợp hết thời hạn nộp tiền phạt, cơ quan chức năng có giấy thông báo nhưng người khách vi phạm không nộp thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định cấm bay một thời gian nhất định. Nếu tái phạm nhiều lần cũng sẽ bị cấm bay. Theo quy đinh, tất cả trường hợp giả mạo giấy tờ đều bị hãng hàng không từ chối vận chuyển và hủy vé, người mua vé sẽ bị mất tiền vé", LS Trang nói.
Có thể chịu trách nhiệm hình sự
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng phân tích, trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục tại sân bay là hành vi vi pháp pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam. Tuy nhiên do mức độ không nghiêm trọng nên trách nhiệm trong trường hợp này chỉ là xử phạt hành chính, cụ thể là phạt tiền.
Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi trên đã “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không” theo Điều 23 Nghị định này với việc vào khu vực cách ly, lên tàu bay mà sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Hiện nay có nhiều hành khách còn thiếu hiểu biết khi lưu thông qua đường hàng không, họ không ý thức được hành vi này có nguy cơ đe dọa an ninh hàng không và khi sử dụng đúng giấy tờ để đi máy bay là bảo vệ chính mình và hành khách đi cùng, LS Chánh cho biết thêm.
LS Nguyễn Trình (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng tất cả các hành vi sử dụng CMND, giấy tờ tuỳ thân không phải của mình để thực hiện vào việc thông hành, xác lập giao dịch cho chính bản thân họ là hành vi trái pháp luật. Bởi mục đích duy nhất khi sử dụng CMND, Giấy tờ tuỳ thân trong các giao dịch và đi lại là để chứng minh danh tính của người thực hiện.
Việc mượn, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác tuỳ vào mức độ, hậu quả thì người sử dụng, người mượn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại điểm a, c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi sử dụng hoặc mượn CMND của người khác để thực hiện các hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
"Trường hợp với thủ đoạn gian dối, sử dụng giấy tờ của người khác để thực hiện các hành vi trái pháp gây nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật Hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự", LS Trình nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.