Chiều 9.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ thường trực đặc biệt chống Covid-19 tại TP.HCM của Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM liên quan đến các ca bệnh là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các ca ngoài cộng đồng liên quan ca này.
'Tết này, Ban chỉ đạo không có tết...'
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định TP.HCM đang đặt trong tình trạng nguy cơ cao.
“Qua phân tích tình hình từ khu vực bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất thì thấy khá phức tạp, vì chưa xác định được nguồn lây, cũng như thời điểm khởi đầu. Có thể sẽ lây nhiễm ra cộng đồng thời gian tới và rất khó kiểm soát. Thông thường F1 chuyển F2, nhưng hiện nay phần lớn từ F2 chuyển sang F0. Như vậy, chưa chắc nguồn lây từ ổ dịch ở khu vực bốc xếp từ Hải Dương, Quảng Ninh”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, "phải xác định 1 lần nữa, hiện nay diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM đang ở mức độ rất cao và thành phố sẵn sàng có kịch bản đáp ứng cho tình huống khẩn cấp. Bởi từ khi dịch xảy ra đến nay chưa có khi nào mà số ca tăng vọt như vậy. Không cho phép lãnh đạo sở ngành, quận huyện rời khỏi vị trí chiến đấu vì sự bình yên, an toàn của bà con TP.HCM. Phải sẵn sàng, khi cần thì phải có mặt, mong chia sẻ với lãnh đạo thành phố !"
“Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM trong tư thế sẵn sàng. Tôi khẳng định tết này, Ban chỉ đạo không có tết. Tôi cũng không muốn nhưng do tình hình đặc biệt nên các đồng chí chia sẻ”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cảm ơn Bộ Y tế đã hình thành sở chỉ huy tiền phương ở TP.HCM để phối hợp, triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM để đạt hiệu quả tốt.
32 ca nhiễm Covid-19 liên quan sân bay Tân Sơn Nhất
Tại cuộc họp, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế lập tại TP.HCM 4 tiểu ban, đội: tiểu ban điều trị, tiểu ban điều tra giám sát dịch tễ, đội xét nghiệm và đội truyền thông.
“Đây là đợt bùng phát Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đầu tưởng đơn giản, nhưng sau đó nảy sinh tình huống bất giờ, bởi có đến 15 ca F2 dương tính. Về logic thì nhận xét bệnh nhân 1979 không phải là ca đầu tiên, còn nguồn lây thì cần điều tra, làm rõ. Điều tra truy vết càng làm nhanh thì đuổi theo được con virus, còn làm chậm thì không kiểm soát được”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thành phố sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho TP.HCM trong giám sát, truy vết để nhanh chóng dập dịch và chịu sự điều phối của ngành y tế TP.HCM.
Bên cạnh yêu cầu lấy 1.600 mẫu máu để tìm kháng thể (lâu nay tìm kháng nguyên) trong ngày 8.2 để truy vết tiếp, ông Sơn yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM đẩy nhanh tốc độ phân tích giải trình tự gen.
Ông Sơn cũng đề nghị TP.HCM chỉ đạo quận huyện xây dựng các khu cách ly tập trung, cách ly y tế, hướng dẫn giám sát nhất là giám sát cách ly tại nhà. Riêng các địa điểm lễ hội, đường hoa, đường sách phải phun khử khuẩn trước khi mở cửa để phòng Covid-19.
Tính đến 17 giờ ngày 9.2, TP.HCM có 32 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến sân bay Tận Sơn Nhất trong vòng 5 ngày qua.
Bình luận (0)