Đô thị gần sông, biển vẫn cứ mưa là ngập

20/08/2020 06:19 GMT+7

Ngập lụt đô thị ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn ở các đô thị ở vùng cao, thậm chí ngay sát biển, ven sông nhưng cứ mưa xuống là đường phố lụt lội.

Cao nguyên, đảo... đều ngập

Tại TP.Điện Biên Phủ (Điện Biên) từ đầu tháng 8 đến nay, người dân chứng kiến 2 lần nhiều tuyến phố rơi vào cảnh lụt lội. Đáng chú ý, trong trận mưa chiều 10.8, lượng mưa đo được chưa đến 20 mm, nhưng các tuyến đường chính của thành phố đã biến thành “sông”, chỗ sâu nhất tới 1 m nước.

Sau trận mưa nhỏ chiều 10.8, người dân TP.Điện Biên Phủ ngao ngán nhìn đường phố ngật lụt

Ảnh: Văn Thành Chương

“Đổ lỗi đường phố ngập do mưa to là không đúng, khi lượng mưa đo được chỉ có 20 mm trong cả buổi chiều. Ngập lụt ở đây là do hệ thống thoát nước có vấn đề, tại sao có chỗ cách sông Nậm Rốm vài dãy nhà thôi nhưng nước không tiêu thoát ra sông”, một cán bộ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên bức xúc nói.
Trong khi đó, là đô thị nằm ngay bên dòng sông Cầu nhưng TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng thường bị ngập lụt. Từ đầu mùa mưa đến nay, TP.Thái Nguyên có 3 lần ngập lụt trên diện rộng.
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ngập lụt đô thị đang nổi lên hiện nay là vấn đề mới, đô thị ngoài đảo hoặc nằm ở vị trí trên cao cũng ngập. “Dẫn chứng là ở Phú Quốc (Kiên Giang), đúng ra đảo phải là nơi thoát nước nhanh nhất, tốt nhất, nhưng cứ mưa là ngập. Còn TP.Hạ Long (Quảng Ninh) nằm ngay sát biển, có tuyến phố chỉ cách biển có 200 m, mà mưa xuống cũng ngập. Còn tại Hà Nội, chiều tối 17.8, chỉ một trận mưa lớn đã làm ngập lụt cả khu vực phố cổ và lâu lắm rồi, nước ở hồ Gươm mới tràn bờ lên đường phố như thế”, ông Hiệp nói.

Đường phố Hà Nội ngập sâu trong trận mưa lớn

Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Hiệp cho rằng ngập lụt đô thị có yếu tố thời tiết cực đoan, nhưng mưa lớn đến mức gây ngập lụt nặng như thế thì không hẳn và yếu tố mưa lớn cực đoan chỉ là thứ yếu. Ngành thủy lợi đang tham gia tích cực vào câu chuyện thoát nước đô thị và khi nghiên cứu vấn đề này đã phát hiện một số bất cập. Đầu tiên là tốc độ phát triển đô thị quá nóng nhưng ít tính đến yếu tố thoát nước, hoặc là có tính đến nhưng không được đầu tư đồng bộ.
Bên cạnh đó, năng lực thoát nước ở các đô thị hiện nay thường không phát huy được hết theo thiết kế bởi các yếu tố do bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hệ thống. Đặc biệt là ô nhiễm rác, đất đá... đều xả hết xuống hệ thống thoát nước đô thị, trong khi đây thường là hệ thống kín, nạo vét rất khó, nên hạn chế nhiều cho thoát nước.

Cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng khi quy hoạch các đô thị mới hiện nay theo luật Quy hoạch thì các địa phương phải tính đến yếu tố thoát nước gắn với thời tiết cực đoan. Nghĩa là phải tính đến yếu tố mưa cục bộ để tính toán phương án thoát nước; và khi đã tính toán rồi thì phải thực hiện đúng quy hoạch. Hiện nay, giữa tính toán trong quy hoạch và thực tế rất khác nhau; quy hoạch là thế nhưng khi thực hiện, vì lý do nào đấy, hệ thống thoát nước lại bị hạ cấp, tiết giảm.
Ngoài ra vỉa hè đường phố, công viên, nơi công cộng hiện chủ yếu lát bằng gạch, thường ít bị ngập lụt do gạch có độ thẩm thấu và ngấm nước tốt. Nhưng hiện giờ, nhiều nơi thay thế bằng đá, dù đẹp hơn nhưng chức năng thoát nước không thể bằng gạch.
“Nếu sử dụng nền gạch để lát cho hàng chục nghìn mét vuông vỉa hè, hàng chục héc ta trong các công viên, điểm vui chơi... với một diện tích lớn sẽ góp phần giải thoát rất nhiều nước trong xử lý ngập lụt đô thị”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, cần phải giải quyết khâu kết nối hệ thống thoát nước ở các đô thị để giải quyết được vấn đề hệ thống thoát nước giữa đô thị mới và đô thị cũ gần như không có kết nối, mà chủ yếu là để thoát nước tự nhiên từ vùng cao đến vùng thấp, khiến trong cùng một khu vực, các đô thị cũ là gốc hay bị lụt nhiều hơn đô thị mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.