Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết lúc 16 giờ chiều nay, tâm bão số 6 (có tên gọi quốc tế là bão Nakri) cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa khoảng 380 km về phía đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 10 - 11, tương đương sức gió 90 -115 km/giờ, giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía tây và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 8.11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 11 - 12, tương đương sức gió 100 - 135 km/giờ, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của cơn bão và không khí lạnh, trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên là phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết cơn bão số 6 đang có diễn biến rất phức tạp khiến các dự báo từ các đài khí tượng thủy văn quốc tế chưa có sự thống nhất.
Cụ thể, thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Nhật Bản cho rằng, bão Nakri có gió mạnh nhất đạt cấp 11 và đổ bộ vào đất liền trong đêm 10.11 với cường độ cấp 9. Trong khi Đài dự báo khí tượng Hồng Kông cho rằng, bão Narki sẽ mạnh nhất với cấp 12 cùng đổ bộ đất liền trong đêm 11.10, nhưng chỉ với cường độ gió ở cấp 9.
Đài dự báo khí tượng thủy văn Mỹ cũng đưa ra nhận định, bão mạnh nhất ở cấp 10 nhưng đổ bộ đất liền trong sáng 11.11 với gió mạnh cấp 8. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Trung Quốc cũng cảnh báo bão mạnh nhất ở cấp 12 và đổ độ vào đất liền với gió mạnh cấp 9.
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, qua tham khảo các mô hình dự báo quốc tế, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đưa ra nhận định, bão số 6 mạnh nhất với gió cấp 11 - 12, giật cấp 14, nhưng vào gần bờ gió bão sẽ giảm cấp. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào đất liền trong ngày 10 - 11.11 với các tỉnh bị ảnh hưởng của bão là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, thậm chí còn có cả các tỉnh miền đông Nam bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện trên các đại dương đang có 4 cơn bão cùng hoạt động, gồm bão Nakri trên Biển Đông, bão Ma Ha ở Ấn Độ Dương; bão Ha Long ở tây bắc Thái Bình Dương; và 1 cơn bão ở vịnh Bengan.
Theo đó, những hình thái này đang gây ra vô vàn khó khăn cho các dự báo viên, không chỉ Việt Nam, với những dự báo bão trái ngược nhau.
Bình luận (0)