Đừng để dân sống trong bất an vì 'tín dụng đen'

Kim Lan
Kim Lan
10/04/2020 06:11 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên đề nghị cơ quan công an cần mạnh tay hơn nữa để triệt tới gốc rễ nạn đòi nợ kiểu 'xã hội đen', không cho tái diễn.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngay trong mùa dịch Covid-19, nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” vẫn tái diễn, mặc dù cơ quan công an từng nhiều lần khẳng định hành vi đòi nợ bằng cách ném mắm tôm, tạt sơn, dọa giết... là vi phạm pháp luật và khẳng định sẽ mạnh tay xử lý.
Cụ thể, sau khi Công an TP.HCM bắt giữ nhóm người ném chất bẩn vào quán phở Hòa (Q.3, TP.HCM), nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” dường như lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, các băng nhóm đòi nợ… bất ngờ trỗi dậy. Không chỉ các công ty là nạn nhân, mà nhiều người dân vô can cũng đứng ngồi không yên vì bỗng dưng bị “khủng bố đòi nợ”.

Phải trấn áp mạnh hơn nữa…

Đọc những thông tin về nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” đang tái diễn, bạn đọc (BĐ) Đặng Xuân Diễn (Nghệ An) thốt lên: “Đừng để người dân sống trong âu lo sợ hãi vì những nhóm người này… Trách nhiệm của công an là phải trấn áp mạnh tay hơn nữa những loại tội phạm trên”. BĐ tranvandan (TP.HCM) ngạc nhiên vì câu chuyện này “cũ rích, nhưng sao phải cứ nói đi nói lại rất nhiều lần”, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục “xử lý thật nghiêm minh để các nhóm đòi nợ kiểu xã hội đen này không dám... nhờn mặt”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho rằng nếu loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ được đưa vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh thì “tình hình sẽ được kiểm soát, loại tội phạm này sẽ được kéo giảm”. BĐ Nguyễn Trung Trực (Hà Nội) cho rằng trong lúc chờ những thay đổi pháp lý (nếu có), cơ quan công an “cần tiếp tục mạnh tay trấn áp nạn “khủng bố đòi nợ” này để giữ bình an cho người dân” một khi đã xác định hành vi đòi nợ bằng cách ném mắm tôm, tạt sơn, dọa giết... là vi phạm pháp luật.

… để dân tin vào pháp luật

BĐ Bùi Tá Vinh (Quảng Ngãi) nêu: “Khách quan mà nói, mặc dù công an đã triệt phá không ít cái gọi là ngân hàng cột điện, nhưng dường như hình thức chế tài, xử phạt chưa đủ sức răn đe, thuyết phục…”.
Nhiều BĐ cũng lưu ý rằng các “ngân hàng cột điện” đã biến tướng thành các “app vay tiền”, tức là hình thức “tín dụng đen” đã kịp sử dụng công nghệ cao để vươn “vòi bạch tuộc”, trong khi việc xử lý hiện tại vẫn phải “chờ” vào việc nạn nhân giữ nguyên hiện trường, lưu bằng chứng, trình báo…
Cũng có BĐ cho rằng nguyên do có phần vì… nợ mà không trả. BĐ Laicuong (Đồng Nai) nhận xét: “Nhắm không trả nổi thì đừng có vay, vay rồi không trả thì người cho vay sống thế nào? Gặp ngân hàng thì đã bị siết nhà, siết xe rồi...”. Tuy nhiên, BĐ Hào (TP.HCM) phân tích: “Cho vay đúng lãi suất không quá 20%/năm thì bạn có thể liên hệ cơ quan chức năng để cưỡng chế tài sản. Còn đa phần những người cho vay ngoài toàn cho vay lãi cắt cổ, trái pháp luật nên mới không dám báo công an. Những người như thế này ác độc và rất thời cơ”.
“Phải xử lý thật nghiêm minh các hành vi đòi nợ theo kiểu xã hội đen này. Người dân tin vào hệ thống pháp luật nghiêm minh thì hãy chứng minh để người dân tin vào pháp luật là đúng, không thể để “luật rừng” hoành hành như vậy được”, BĐ Long (Vĩnh Phúc) viết. Trong khi đó, BĐ Trần Thanh Thiên (An Giang) kiến nghị: “Cần đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Song song đó, công an tiếp tục mạnh tay trấn áp tội phạm tín dụng đen”.
Người dân cần lắm dẹp bỏ hết những công ty liên quan và sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê.
Vũ Ngọc Lan (Thái Nguyên)
Đề nghị tước giấy phép của công ty đòi nợ thuê, cấm không cho hoạt động và xử lý nghiêm bọn lợi dụng đòi nợ thuê để gây rối trật tự công cộng để lấy lại hình ảnh nghiêm minh của pháp luật.
Ngô Ngọc Minh (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.