F0 tăng nhanh gây áp lực cho hệ thống y tế TP.HCM

18/07/2021 06:09 GMT+7

Ngày 17.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp giao ban định kỳ với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố đông dân nhất cả nước vẫn tăng từng ngày.

Liên tục phải gia tăng cơ sở điều trị

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ 6 giờ ngày 16.7 đến 6 giờ ngày 17.7, TP phát hiện hơn 2.800 trường hợp dương tính Covid-19. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa, có 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện (BV). Hiện TP.HCM đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; trong đó có 306 ca thở máy, 8 trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Hơn 80% bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhẹ nhưng không thể coi thường

Về công tác điều trị, ông Phong cho biết mối quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm số ca tử vong. Trong thời gian cao điểm, từng xuất hiện tình huống các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện chậm được các BV tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong. Trước tình hình đó, ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các BV; BV dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; BV điều trị F0 nặng và BV hồi sức tích cực. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành, nhằm kịp thời điều phối F0 đến các BV gần nhất và nhanh nhất.
Hiện số ca F0 vẫn tăng nhanh gây áp lực cho hệ thống y tế, ông Phong cho biết TP.HCM đã thiết lập Trung tâm hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân nặng với quy mô 1.000 giường, trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần BV Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức). Ngoài ra, còn 2 cơ sở điều trị khác tại BV Bệnh nhiệt đới (300 giường) và BV Chợ Rẫy (300 giường). Sáng cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận đề xuất thiết lập thêm BV điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại BV Quân y 175 (Q.Gò Vấp).

Cần có cơ chế mua và nhập khẩu nhanh nhất trang thiết bị y tế

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; số trường hợp F1, F0 ngày càng tăng cả trong khu cách ly, phong tỏa, ngoài cộng đồng và phát sinh ca nhiễm trong một số khu công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân; nhiều cơ sở điều trị đã có dấu hiệu quá tải, thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế.
Tại cuộc họp, ông Nên đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 có cơ chế mua và nhập khẩu nhanh nhất trang thiết bị y tế, vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.
Đã trải qua hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu chấn chỉnh ngay một số hạn chế, kịp thời phân công lực lượng xuống tận cơ sở để thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là ở những địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện nơi nào không chấp hành chỉ đạo của cấp trên thì phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề nghị cách chức, đặc biệt là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bản tin Covid-19 ngày 17.7: Cả nước thêm 3.718 ca bệnh mới, áp dụng biện pháp mạnh nhất dập dịch ở phía Nam

Nhanh chóng “bóc” hết F0 ra khỏi cộng đồng

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, TP.HCM phải tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly. Với địa bàn rộng, dân số đông nên việc kiểm soát rất khó khăn, nhưng Phó thủ tướng đề nghị phải thực hiện rất quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp chính quyền, đến mọi tổ chức, đoàn thể. Ông Đam nhấn mạnh, dù đã phong tỏa nhưng nơi nào để xảy ra lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly thì phải xử lý toàn diện lãnh đạo nơi đó.
Phó thủ tướng một lần nữa yêu cầu phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tập trung tầm soát cộng đồng để giữ chặt vùng xanh an toàn, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài vào. Quận, phường nào, tổ dân phố nào đang an toàn thì phải nhanh chóng lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, nhanh chóng “bóc” hết F0 ra khỏi cộng đồng.

2 phương án giãn cách xã hội tại TP.HCM

TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9.7 nên nhiều người dân thắc mắc là sẽ tính thời gian giãn cách xã hội từ đầu theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, hay theo quyết định cũ (kết thúc vào ngày 23.7).
Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 17.7, một lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết TP.HCM sẽ áp dụng theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng. “Nếu trong thời gian tới, dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt thì TP.HCM sẽ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền nới lỏng một số biện pháp; ngược lại nếu dịch bệnh còn phức tạp thì thực hiện giống như các tỉnh thành khác”, vị này nói.
Sỹ Đông

Tuần sau, TP.HCM bắt đầu tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19

Theo ông Đam, TP.HCM cần rà soát, đánh giá lại tổng thể năng lực xét nghiệm, từ đội ngũ lấy mẫu đến máy móc, sinh phẩm xét nghiệm để có biện pháp điều phối hiệu quả. Việc lấy mẫu phải bảo đảm an toàn, giãn cách để chống lây nhiễm chéo; tăng cường đến tận từng gia đình để lấy mẫu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.