Ở số nhà 156B Đà Nẵng (P.Lạc Viên, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) có phòng khám nội tổng hợp của bác sĩ Lại Quang Tiến. Ít ai biết, cách đây 33 năm, bác sĩ này là bệnh xá trưởng của đảo Sinh Tồn và cứu chữa, giành lại sự sống cho rất nhiều thương binh trong trận 14.3.1988 trên vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.
Bác sĩ trẻ trên đảo
Tháng 2.1979, Lại Quang Tiến, 18 tuổi, đang học năm cuối hệ trung học phổ thông 10/10 của Trường THPT Thái Phiên (TP.Hải Phòng), thì cán bộ Ban Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng về sơ tuyển thí sinh thi vào Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Đầu năm học 1979 - 1980, Tiến khoác ba lô nhập học khóa 14, Đại học Quân y.
Ngày 10.8.1985, gần 300 tân bác sĩ của khóa 14 ra trường, nhận nhiệm vụ ở khắp các đơn vị trên mọi miền Tổ quốc, biên giới, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia... Bác sĩ Lại Quang Tiến được phong quân hàm trung úy, điều về Quân chủng Hải quân, sau thời gian huấn luyện chuyên môn thì vào Vùng 4 Hải quân (ở Cam Ranh, Khánh Hòa), theo tàu HQ-605 ra đảo Sinh Tồn (Trường Sa) làm nhiệm vụ.
Hồi ấy, điều kiện các đảo ngoài Trường Sa rất khó khăn thiếu thốn nên nhân viên y tế được cưng quý hơn vàng. Sinh Tồn là đảo nổi cấp 1, đặt bệnh xá nên biên chế y tế tương đối đầy đủ.
“Y sĩ, y tá thì có thời hạn công tác. Xong 1 năm là được về bờ nghỉ phép, học tập huấn luyện mấy tháng rồi mới ra lại đảo. Riêng với bác sĩ, chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc nghỉ phép là điều xa xỉ. Cứ làm việc trên đảo liền tù tì mấy năm, cho đến khi có người ra thay”, bác sĩ Tiến kể và nhớ lại: “Tôi ra thay bác sĩ Phú, ngay lập tức được phong chức bệnh xá trưởng và ở trên đảo Sinh Tồn từ cuối năm 1985 đến cuối tháng 5.1988 mới về bờ”.
Đầu năm 1988, bác sĩ Nguyễn Kim Quang (sau là đại tá, Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quân y 7 - Quân khu 3) ra đảo Sinh Tồn thay cho bác sĩ Tiến. Sắp sẵn ba lô chờ lên tàu về bờ, nhưng bác sĩ Tiến nhận lệnh phải ở lại. “Lần đầu tiên có 2 bác sĩ trên 1 đảo nổi, đã thấy rất lạ. Nghe ngóng tình hình từ chỉ huy đảo và thấy tàu thuyền Trung Quốc qua lại ngày càng nhiều, tôi lờ mờ đoán có chuyện rất hệ trọng sắp xảy ra”, bác sĩ Tiến kể.
|
Trắng đêm cứu thương binh
Sáng 14.3.1988, nhóm 6 bác sĩ, y tá của đảo Sinh Tồn vừa mang chậu cơm từ nhà bếp ra gốc cây ăn sáng, thì nghe lục bục tiếng pháo ngoài khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao cách đó khoảng 10 hải lý. Chạy lên đài quan sát nhìn ống nhòm chuyên dụng TZK, thấy rõ khói bốc lên từ mấy tàu vận tải. Cả đảo Sinh Tồn báo động. Đại úy Thái Văn Khôi, đảo trưởng Sinh Tồn, gọi bác sĩ Tiến lên giao nhiệm vụ: “Chuẩn bị thuốc men, dụng cụ phẫu thuật. Trung Quốc nó đánh ta rồi. Rất nhiều thương binh đấy”.
Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc MaNgày14.3, tại P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải Quân) phối hợp Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ngày 14.3.1988 bảo vệ Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Tại lễ tưởng niệm, Ban tổ chức đã dựng mô hình tàu hải quân số hiệu HQ-604 tham gia trận chiến đấu ngày 14.3.1988, chở các bài vị ghi họ tên, năm sinh và quê quán của 64 liệt sĩ...; các cựu chiến binh, người thân các liệt sĩ dâng hương, cùng thả vòng hoa xuống biển Đà Nẵng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...
Tin, ảnh: Hoàng Sơn
|
“Thiếu cũng phải mổ để cứu thương binh”, bác sĩ Tiến hội ý chớp nhoáng với các nhân viên y tế và yêu cầu đưa thương binh lên bàn phẫu thuật. Trời tối nhanh, ánh sáng không đủ, bộ đội phải thay nhau ngồi lên chiếc xe đạp phát điện. Hơn 10 giờ đêm 14.3.1988, tàu HQ-671 đưa các thương binh từ Cô Lin về (thương binh trên tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma, được xuồng của HQ-505 vớt lúc trưa), thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đi cùng, thấy các y bác sĩ mổ trong điều kiện thiếu ánh sáng, đã đề nghị: “Để tớ bơi xuồng về Cô Lin, lấy đèn trên tàu vào thắp sáng”. Bác sĩ Tiến lắc đầu: “Ra vào gần 4 tiếng, đêm tối nguy hiểm, tàu địch đang rập rình sẵn sàng bắn các mục tiêu di chuyển trên biển. Anh cứ để chúng tôi cố gắng”... Cả đêm 14.3.1988 ấy, các y bác sĩ bệnh xá đảo Sinh Tồn thức trắng và làm việc liên tục đến chiều hôm sau để cứu chữa thương bệnh binh...
Ông Uông Xuân Thọ, nguyên thượng úy máy trưởng tàu HQ-605, rưng rưng: “Tôi mê man khi được đưa lên đảo. Nếu không có kíp y bác sĩ của đảo quyết tâm phẫu thuật cứu chữa, thì chắc chắn sẽ mất cánh tay phải. Riêng thương binh Trần Văn Sáu, phải mổ tới 6 lần để nối các mạch máu, dây thần kinh ở cẳng chân. Do điều kiện y tế và các dụng cụ đặc chủng thiếu thốn nên vết thương của anh Sáu có dấu hiệu viêm nhiễm. Ngay sau đó, tàu HQ-671 đã đưa các thương binh về Cam Ranh. Tại đây, các thương binh nặng được máy bay trực thăng chở vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM). Các thương binh nhẹ được chăm sóc tại bệnh xá của Vùng 4 Hải quân (Mỹ Ca, Cam Ranh, Khánh Hòa)”.
Cuối tháng 5.1988, sau 33 tháng công tác liên tục, biền biệt ngoài đảo Sinh Tồn, bác sĩ Lại Quang Tiến mới được về bờ. Sau 3 tháng nghỉ phép, ông lại được điều ra công tác ở đảo chìm Đá Lớn trong suốt 13 tháng. Đầu năm 1990, ông kết thúc “tăng” đảo chìm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đại úy - bác sĩ Lại Quang Tiến xin ra khỏi quân đội, về TP.Hải Phòng thuê căn nhà mặt đường Đà Nẵng mở phòng khám chữa bệnh, vừa gần bà con vừa đảm đương kinh tế gia đình.
|
Ước mơ hội ngộ
33 năm đã trôi qua kể từ ngày 14.3.1988, các cựu chiến binh tham gia đánh trận Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mỗi khi họp mặt đều nhắc đến bác sĩ Lại Quang Tiến, Nguyễn Kim Quang và bảo nhau: “Nếu không có các y bác sĩ ở trạm phẫu tiền phương Sinh Tồn hôm ấy thức liên tục 2 ngày đêm cứu chữa, chúng ta nếu có sống cũng thành tàn tật”.
Riêng với bác sĩ Lại Quang Tiến thì đến giờ vẫn áy náy bởi điều kiện y tế thời điểm đó quá thiếu thốn, không đủ để cứu chữa kịp thời các thương bệnh binh. “Ngay tối 14.3.1988 tôi đã khẩn thiết đề nghị đảo trưởng Thái Văn Khôi viết điện cơ yếu đề nghị tiếp tế khẩn cấp thuốc men, huyết thanh. Ý kiến là vậy, nhưng cũng thừa hiểu là khó có thể thực hiện vì tình hình chiến sự đang nóng bỏng. Tàu bè thì nằm hết ngoài Trường Sa. Máy bay vận tải quả cảm đến mấy cũng không dám liều hạ thấp xuống Sinh Tồn vì xung quanh đảo rất nhiều tàu chiến Trung Quốc sẵn sàng nhả đạn…”, bác sĩ Tiến nhớ lại và lắc đầu: “Không ngờ, ngay hôm sau, máy bay vận tải của ta đã bay ra, lao qua đội hình tàu chiến Trung Quốc, thả hàng tiếp tế là thuốc y tế quấn trong quần áo, xuống mặt nước ven bờ đảo. Chúng tôi rất muốn gặp lại những phi công dũng cảm ngày 16.3.1988 hôm ấy”...
Bình luận (0)