Báu vật Gạc Ma

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
15/03/2020 06:49 GMT+7

Anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vào ngày 14.3.1988, xương cốt các anh mãi hòa vào lòng biển cả quê hương. Vậy nên với các mẹ, kỷ vật của các anh chẳng khác gì báu vật.

Bức thư viết tại quân cảng Cam Ranh, vào ngày nhuận của tháng 2.1988 gửi về cho mẹ là bà Trần Thi Huệ (trú P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), anh Lê Thế chỉ mong muốn một điều là “má luôn nhiều sức khỏe”. Mẹ Huệ năm nay 77 tuổi. Tuy già yếu nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Mỗi lần có ai nhắc đến bức thư, bà có thể đọc lại từng chữ một.
“Khi còn ở với gia đình, thằng Thế khi nào cũng mong tui khỏe mạnh. Bởi ba nó mất khi nó chỉ mới 4 tuổi. Một mình tui nuôi Thế với 2 em khôn lớn. Thế khi nào cũng sợ tui ngã bệnh…”, mẹ Huệ nhớ lại.

Lời hẹn ước dở dang...

Cầm lá thư, nét chữ nghiêng nghiêng thư sinh, tôi đọc được cả những lời dặn dò của một người anh cả nhắn gửi 2 em. “Chú đọc đến đoạn này chưa: “Bởi vì anh em ta chỉ còn có mình má chớ mấy, nếu anh em ta không giúp đỡ má, để bà già yếu, rồi đau ốm, bà qua đời thì chúng ta khổ lắm đó em ạ!”, mẹ Huệ hỏi. Tôi dò theo, không sai một chữ. Còn mẹ, cũng như những lần trước, cứ lần giở bức thư ấy, nhìn thấy nét chữ thân thương ấy, mẹ lại khóc. Đơn giản vì đó là những lời cuối cùng của con trai trước khi lên đường ra làm nhiệm vụ bảo vệ Gạc Ma…
Mẹ Huệ kể được làm bộ đội, khoác lên mình chiếc áo của người lính là niềm mơ ước từ nhỏ của anh Thế. Nhưng vì khối u nhỏ ở mắt trái nên ba lần bảy lượt đi khám, anh Thế vẫn không được tuyển. Quyết tâm vào bộ đội, một ngày anh đi khám và nhờ bác sĩ cắt bỏ khối u. Anh lần nữa đi khám nghĩa vụ và được gọi tên lên đường nhập ngũ. “Hôm đó nó ôm chầm lấy tui. Nó nói: Con đi bộ đội, hồi mô con về, con giúp má làm nhà. Giúp má làm nhà xong con mới cưới vợ, chăm lo cho má. Rồi nó hy sinh. Tui cứ thương nó mãi. Rồi chẳng muốn làm nhà nữa”, nước mắt mẹ Huệ lại lăn dài trên gò má.
Hung tin đến với mẹ Huệ khi bà đang lúi húi chuẩn bị chạy chợ. Ông tổ trưởng dân phố là người báo: Thế đã bị quân Trung Quốc bắn chết. Sau này, mẹ được các đồng đội của anh sống sót sau trận hải chiến kể lại rằng, trong đêm 13.3.1988, phía Trung Quốc kéo quân lên đảo Gạc Ma rất đông. Trước khi con tàu nơi anh Thế phục vụ bị quân Trung Quốc nổ pháo đánh chìm, một chiếc sà lan nhỏ với 7 chiến sĩ trên tàu được thả xuống và nỗ lực cập bãi đá Gạc Ma nhưng bất thành. Sau khi tàu chìm, quân Trung Quốc đã quần đảo và bắt giữ các chiến sĩ còn sống sót. “Tui nghe tin, vẫn hy vọng nó nằm trong số các chiến sĩ bị bắt. Nhưng rồi bặt vô âm tín. Tôi biết Thế đã cùng đồng đội cố gắng giữ tàu đến phút cuối. Cho đến khi tàu chìm dần xuống đáy biển, để rồi linh hồn Thế và đồng đội vẫn mãi mãi ở lại Gạc Ma”, mẹ Huệ nói.
Linh cảm của một người mẹ cho biết con mình đã hy sinh. Dẫu vậy, mẹ vẫn chưa nguôi hy vọng. Giữa lúc mong ngóng tin con thì lá thư anh Thế viết về đến tay mẹ. Nhìn con dấu ghi ngày 4.3.88, gửi từ Cam Ranh, mẹ biết mình đang nhận được những dòng thư, những lời dặn dò cuối cùng của đứa con thương yêu mà tên đã được đọc trên loa phát thanh, trong danh sách chiến sĩ hy sinh. Thư kết: “Con ở Cam Ranh này chừng khoảng tuần lễ là sẽ đổi đi đảo Trường Sa. Con chỉ có mấy lời báo cho gia đình biết, má và mấy em khỏi trông. Hẹn ngày trở lại đất Đà Nẵng…”.
32 năm trôi qua, cũng ngần ấy thời gian, mẹ sống với những lời dặn dò sau cùng của đứa con trai cùng lời hẹn ước dở dang. Anh mãi mãi ở tuổi 23.

Tấm áo ấy bấy lâu nay, mẹ thường vẫn mặc

Hình ảnh mẹ Lê Thị Muộn (trú tại P.Hòa Cường Nam, TP.Đà Nẵng) mặc chiếc áo được mẹ may lại từ quân phục hải quân, khiến tôi nhớ đến bài hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Có điểm khác là nếu trong bài hát có lời mở đầu “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc” nói về hình ảnh người chiến sĩ mặc chiếc áo do người mẹ vá, thì chiếc áo mà mẹ Muộn mặc chính là chiếc áo di vật của con trai mẹ để lại - liệt sĩ Phan Văn Sự, một trong 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.
Báu vật Gạc ma1

Năm 2017, mẹ Lê Thị Muộn vẫn giữ chiếc áo bà ba được mẹ cắt, khâu từ chiếc áo hải quân của con trai mình - liệt sĩ Phan Văn Sự

Ảnh: Hoàng Sơn

Ở cái tuổi 88, mẹ Lê Thị Muộn không còn đủ minh mẫn để kể về sự hy sinh của người con trai thứ 8 trong trận hải chiến cách đây 32 năm. Nhưng cứ có người đến nhà hỏi về anh Sự là mẹ lại bật dậy ngồi nghe như thể chưa trải qua những ngày ốm đau của tuổi già. Nhất là khi có ai đó nói về chiếc áo lính mà mẹ đã sửa lại thành chiếc áo bà ba. Ông Phan Văn Dân (56 tuổi, người anh kế của liệt sĩ Phan Văn Sự) kể: “Sau ngày Sự mất, mẹ tôi đã lấy chiếc áo hải quân Sự bỏ quên trong đơn vị cũ trước khi lên đường vào Cam Ranh đem ra sửa. Chúng tôi không hề hay biết. Sau này mẹ mới kể vì sợ chúng tôi lo lắng…”.
Ông Dân tiếp lời, anh Sự lên đường nhập ngũ khi tròn 19 tuổi. Đến tháng 2.1987, anh đăng ký đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14.3.1988, lúc ông Dân đang trực ở đơn vị thuộc Sư đoàn 375, thì nhận được tin anh Sự đã ngã xuống trước họng súng của quân Trung Quốc. Chưa khỏi bàng hoàng, ông Dân nhận tiếp hung tin, cha ông là Phan Văn Bé chuẩn bị xuất viện sau một thời gian điều trị bệnh, vì không chịu nổi cú sốc mất con đã xuất huyết dạ dày. “Tôi cùng lúc đón nhận cả cha lẫn em trai qua đời. Một cú sốc quá lớn đối với gia đình. Thương nhất là mẹ tôi. Bà thương thằng Sự nhất vì nó là đứa út trong nhà, còn cha là người hằng ngày bà chăm sóc, lại sắp xuất viện. Thế mà...”, ông Dân nhớ lại.
Tình hình ở Trường Sa lúc ấy quá căng thẳng nên ông Dân chỉ được về nhà chịu tang đúng 1 ngày rồi lại tức tốc vào đơn vị. Trong nhà lục mãi mới được tấm ảnh cũ của anh Sự đặt lên bàn thờ. Một đám tang mà thi hài, di ảnh cha nằm cạnh con trai, có di ảnh con nhưng không nắm xương cốt. “Về sau này, gia đình đều lấy ngày 26 âm lịch làm ngày giỗ chung cho Sự với cha tôi”, ông Dân kể thêm: “Mỗi lần giỗ, mẹ tôi lại đem chiếc áo của Sự ra mân mê, rồi mặc lên người. Bà cứ nhắc đi nhắc lại những câu chuyện ngày Sự còn sống. Rồi bảo còn may. May là Sự nó quên cái áo trong đơn vị chứ không mẹ chẳng còn chút chi để giữ nó lại bên mình”.
Chiếc áo rộng của lính hải quân vốn được anh Sự mặc trong thời gian đầu nhập ngũ, được mẹ Muộn sửa lại rất khéo. Đi đâu, mẹ cũng mang theo chiếc áo. “Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại bảo thương thằng Sự. Nó nằm vùng biển lạnh, còn mẹ thì ở đây được mặc ấm. Rồi nước mắt bà thấm ướt chiếc áo khi nào không hay…”, ông Dân rưng rưng: “Hơi ấm từ chiếc áo đưa mẹ tôi vào giấc ngủ mỗi đêm. Tôi không biết nếu không có chiếc áo đó, mẹ tôi sẽ đi qua những ngày mất mát đó như thế nào”.
Điều kỳ lạ là dù đã trải qua hàng chục năm nhưng chiếc áo ấy khi nào cũng trắng tinh, chẳng chút sờn bạc..., cứ tựa hồ lý tưởng cao đẹp của chàng trai “có tuổi 20 thành sóng nước”...
Hiến tặng báu vật thân thương
Thắp nén nhang lên bàn thờ, bên di ảnh của liệt sĩ Lê Văn Xanh, ông Lê Văn Xuân (cha anh Xanh, 80 tuổi, trú tại P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) kể anh hy sinh và để lại cho gia đình 2 chiếc yếm trên áo hải quân, 1 chiếc mũ cối màu xanh và 1 giấy CMND. 29 năm nâng niu, gìn giữ số kỷ vật này trong một chiếc rương như một báu vật, năm 2017, ông Xuân đã hiến tặng hết cho phòng lưu trữ di vật trong khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh (Khánh Hòa).
Cũng như ông Xuân, mẹ Muộn đã hiến tặng chiếc áo của con, mẹ Huệ cũng chỉ giữ lại bản photocopy bức thư và trao bản gốc cho khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Mẹ Huệ bảo: “Tui cũng đã ở tuổi gần đất. Ngày xa trời cũng chẳng mang theo di vật của con được nên chi bằng hiến tặng cho khu tưởng niệm để mỗi lần lớp trẻ đến thăm có thể hình dung thêm về trận hải chiến mà con tui và đồng đội đã ngã xuống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.