Giảm kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa

09/11/2018 08:19 GMT+7

Việc cụ thể chủ trương một chương trình, một số bộ sách giáo khoa tại Nghị quyết 88 của Quốc hội trong dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về luật này.

Đại biểu (ĐB) Dương Đình Thông (Bắc Giang) cho rằng, những quy định như trong dự thảo là cần thiết, luật hóa được Nghị quyết 88 của Quốc hội. Song để đảm bảo tính cụ thể, ĐB Thông đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để đảm bảo cho việc công bằng khi biên soạn sử dụng sách giáo khoa (SGK).
Quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo cung cấp SGK, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, khó khăn qua đó khắc phục tình trạng sử dụng SGK lãng phí như vừa qua. Quy định thêm thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt SGK làm sao công bằng, minh bạch.
ĐB Lâm Văn Thắng (TP.HCM) thì đề nghị luật phải quy định rõ về việc công khai minh bạch kết quả thẩm định SGK của hội đồng thẩm định. “Thứ nhất là để minh bạch thông tin. Thứ hai là giúp các cá nhân, tổ chức tham gia viết SGK biết được thiếu sót để làm tốt hơn, sát yêu cầu hơn từ đó sẽ có những bộ SGK chất lượng hơn”, ĐB Thắng nói.
Trong khi đó, ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) lo lắng nếu thực hiện nhiều bộ SGK không cẩn thận thì “chúng ta cứ mãi chạy theo một thứ không ổn định”. “Đề nghị chương trình và bộ SGK là phải tương đối ổn định, vì mỗi chương trình Bộ GD-ĐT đưa ra đều ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Nếu khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn SGK, người ta cứ làm hoài, chúng ta cứ thẩm định hoài thì bao giờ chúng ta mới có sự ổn định?”, ĐB đặt câu hỏi.
Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) thì cho rằng, đã là luật phải thống nhất, SGK phải thống nhất. Xã hội hóa có thể thực hiện trong việc xây dựng cơ sở vật chất chứ không phải là SGK. “SGK dứt khoát phải thống nhất, phải có bộ chuẩn. Ông cha ta ngày xưa, người này học xong thì sách chuyển cho người sau tiếp tục, hết cấp này sang cấp khác trong khi giờ thay đổi rất nhiều. Cứ bảo xã hội hóa cho cha mẹ quyền lựa chọn là không khả thi. Tôi không đồng tình”, ông nhấn mạnh.
ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) thì bày tỏ băn khoăn về SGK, khi luật đưa ra một trong những căn cứ để lựa chọn bộ sách là ý kiến của phụ huynh, học sinh. “Bây giờ 9 người, 10 ý, biết chọn làm sao? Năm nay thì phụ huynh này, sang năm phụ huynh khác, thì họ có sử dụng bộ SGK năm ngoái hay không? Tôi hết sức băn khoăn”, ĐB nêu ý kiến.
Trong khi đó, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thì cho rằng, SGK hiện nay quá nhiều kiến thức hàn lâm. “Làm sao phải giảm tải để học sinh học phải hiểu, chứ không phải học thuộc như trước kia, mà thuộc rất khó, nhồi nhét mười mấy môn học. Học sinh hiện nay đi học không hạnh phúc là vì chúng ta bắt tất cả các em đều phải giỏi, nhưng mỗi em một đặc tính khác nhau, yêu cầu cao quá đối với học sinh là điều hết sức vô lý”, ĐB Thưởng nói.
Cùng quan điểm này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, chương trình giảng dạy hiện nay quá nặng khiến các em sợ học và đề nghị phải thay đổi theo hướng giảm tải những nội dung mà học sinh có thể học ở gia đình, qua các hoạt động ngoại khóa, tăng các nội dung về kỹ năng sống.
“Ngay cả những môn như kế toán đại cương, dạy quản lý tài chính của chính mình cũng cần phải đưa vào”, ĐB Ngân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.