Giữ từng mốc giới, đường biên - Kỳ 2: Rập rình Bản Giốc

08/03/2016 06:00 GMT+7

Các mốc 835, 836 (chính - phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và sẵn sàng có mặt bên mốc giới - đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng.

Các mốc 835, 836 (chính - phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và sẵn sàng có mặt bên mốc giới - đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng.

Một bè du lịch Việt Nam chở khách thăm Thác Bản Giốc - Ảnh: Độc LậpMột bè du lịch Việt Nam chở khách thăm Thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
Tiếng kẻng giữ đất
Ông Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Biên phòng (BP) Đàm Thủy, về nghỉ hưu năm 2007 khi là thượng tá, Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng nhớ lại: Thác Bản Giốc là thác nhiên nhiên thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), nhưng phía Trung Quốc cũng nhận của họ và gọi tên là thác Tắc Then, thuộc công xã Thạch Long, huyện Đại Tân (tỉnh Quảng Tây). Khu vực Thác Bản Giốc tính từ các thửa ruộng Thoong Bốc đến sát chân núi nhánh song cực Bắc của thác. Các cồn đất của thác gồm: Pò Thoong, Pò Rư, Pò Bắc, Lũng Chang đều do nhân dân ta ở các bản đó quản lý và sản xuất canh tác. Khu vực này có mốc 53, 53 phụ và mốc 54.
Toàn cảnh Thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
“Từ năm 1965, phía Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Thác Bản Giốc, xây dựng trạm thủy điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước trên nhánh sông này hòng thay đổi dòng chảy, có lợi cho họ. Những năm sau đó, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh thổ ta, ngăn cản BĐBP và nhân dân ta đi lại với mức độ ngày càng tăng, diễn biến rất phức tạp, nhất là trong năm 1975-1976. Thậm chí họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía Nam của thác, Cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ”, ông Cỏong rành mạch vậy và chi tiết: “Từ lúc ký Hiệp ước Biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối 2004, phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ làm cầu khu vực thác, làm bè mảng để đưa dân và du khách vào chân thác tham quan du lịch và nhất là xâm nhập Cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53 lấn sang đất ta”. “Cuộc đấu tranh ở khu vực Cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là ác liệt nhất và tiên phong là người dân các thôn ở Đàm Thủy”, nguyên Đồn trưởng BP Đàm Thủy nói.
Bè du lịch Trung Quốc ngang qua bãi Pò Thoong dưới chân thác - Ảnh: Độc Lập
Tay không giữ cồn Pò Thoong
Cờ Tổ quốc tung bay trên Trạm Kiểm soát BP Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập

Ông Trần Quý Sơn (57 tuổi), nguyên Trưởng thôn Bản Giốc hồi tưởng: “Nóng nhất là thời điểm 1998-2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch dưới chân thác, bè chở khách Trung Quốc đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía Việt Nam, thậm chí còn định cho người Trung Quốc nhảy lên. Ngăn cản các hành động này, hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau ra trực ven bờ sông Quây Sơn” và cắn môi: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn gậy gộc. Cũng chỉ dọa và sử dụng trong trường hợp họ nhảy lên đất ta. Nhưng bên họ thì dùng gạch đá ném thẳng vào chúng tôi làm nhiều người bị thương”.
Mốc 836 (2) dưới chân thác, ở bên phía Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

“Hồi ấy, có 1 doanh nghiệp dựng quán bán hàng dưới chân thác, bên họ còn định tràn sang ngăn cản nên dân chúng tôi cũng hô nhau ra giữ đất. Sau 2-3 ngày căng thẳng ném đá, họ lợi dụng đêm tối bơi sang đốt hết quán xá”, ông Trần Quý Sơn kể.
Ông Trần Quý Sơn, nguyên trưởng thôn Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) - Ảnh: Độc Lập

Trên đỉnh thác Bản Giốc có gần 100 hộ dân thôn Cô Muông bao năm canh giữ mốc giới cùng tổ công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy. Dẫn tôi ra thăm chợ tự phát đường biên, ông Nông Tài Nghĩa chỉ cột mốc 53 bằng đá cũ kỹ được cắm từ thời Pháp - Thanh đứng ngay ngắn cạnh mốc 835 và kề đó là mốc 835 (1), bảo: “Hồi hoàn thành phân giới cắm mốc, phía Trung Quốc đòi nhổ mốc 53 cũ nhưng bên ta kiên quyết không cho” và cười: “Dân họ chỉ đi vào mấy bước là dân mình ngăn chặn ngay. Không cần đến BĐBP”.
Ông Nông Tài Nghĩa (bìa phải) và PV Thanh Niên bên mốc cũ 53 trên đỉnh thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
Còn ở ngọn núi sau Tổ Công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy, vẫn sừng sững chòi canh xây gạch cũ kỹ, đối mặt với cả các cột camera nhìn chòng chọc sang đất ta. Đại úy Nông Tiến Hùng, Tổ trưởng công tác BP nghiêm nghị: “Anh em ngày đêm canh gác. Ở trên đây, không bao giờ được mất cảnh giác, không được để Tổ quốc bị bất ngờ”…
Phần đất phía Trung Quốc, có biển ghi “Dẫn đường cho nhân viên khủng bố là hành vi phạm tội” - Ảnh: Độc Lập
Chòi gác trên núi của Tổ Công tác Biên phòng gần đỉnh thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.