Giữa đại dịch Covid-19, nên công bố, chia sẻ thông tin người bệnh?

Phan Thương
Phan Thương
13/03/2020 11:11 GMT+7

Dù luật đang quy định thông tin liên quan đến người bệnh là bí mật cá nhân, đời tư nhưng trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát thì việc công bố, chia sẻ là phù hợp, nhưng thông tin phải chính xác, trung thực.

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp tại Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công bố Covid-19 là đại dịch thì việc cập nhật, chia sẻ thông tin bệnh nhân bị nhiễm cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Xung quanh việc này, cũng có nhiều quan điểm cho rằng nên giữ thông tin liên quan đến người bệnh nếu người bệnh không cho phép đăng tải, sử dụng. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng cần chia sẻ, thông tin rộng rãi để phòng, chống dịch Covid-19 lây lan.

Cấm đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người bệnh

Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nhìn nhận pháp luật có quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bệnh như khai báo trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo luật sư Hùng, người bệnh cũng có quyền pháp lý được bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân. “Khoản 3 điều 33 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Khoản 5 điều 8 của luật này cũng quy định cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”, luật sư Hùng viện dẫn.
Ngoài ra, luật sư Hùng cho biết điều 8 luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định rõ người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Khi công bố dịch, cần chia sẻ, công bố thông tin

Ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, quy định trên không còn phù hợp với thời điểm Chính phủ công bố dịch.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang bất cập ở vấn đề công bố thông tin bệnh nhân. “Đối với đại dịch Covid-19, Nhà nước đã công bố dịch. Vì vậy, mọi trường hợp dịch cũng phải được công bố theo Điều 38 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Quan trọng, mọi thông tin phải chính xác, kịp thời và trung thực. Lúc này không bàn đến câu chuyện bí mật đời tư, bởi ở góc độ chỉ công bố thông tin cá nhân của bệnh nhân để hướng đến mục đích người dân phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn”.
Hơn nữa, luật sư Hưng chia sẻ: “Bản thân người bị nhiễm Covid-19 không có gì phải xấu hổ. Lúc này, công bố thông tin cá nhân người bệnh còn là trách nhiệm của người bị nhiễm đối với công đồng, xã hội, tránh việc lây nhiễm lan ra diện rộng, khó kiểm soát. Trong trường hợp này, việc công bố thông tin không hề gây thiệt hại gì cho người bệnh nên nói rằng công bố thông tin người nhiễm Covid-19 là xâm phạm bí mật đời tư là không phù hợp”.
Luật sư Hưng cho rằng, trừ trường hợp sử dụng hình ảnh, thông tin người bệnh nhằm đả kích, bôi nhọ, làm nhục người bệnh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý theo quy định, nhưng khi sử dụng, chia sẻ thông tin, hình ảnh người bị nhiễm, nghi nhiễm để phòng dịch Covid-19 thì không có gì phải lên án, bởi rất cần thiết trong lúc này.
Tương tự, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP,HCM) cũng đánh giá về nguyên tắc là không được tiết lộ thông tin bệnh nhân, nhưng trong trường hợp Nhà nước công bố dịch, và thực tế tình hình đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến người dân thì việc thông tin bệnh nhân để biết khu vực phòng tránh và khai báo khi tiếp xúc là phù hợp.

Tổ chức Y tế thế giới chính thức công bố Covid-19 là đại dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 11.3 tại Geneva đã chính thức công bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đây là đại dịch đầu tiên xuất phát từ một dòng virus Corona, theo Đài CNN.
Về cơ bản, có 3 tiêu chuẩn chính để kết luận một căn bệnh là đại dịch: một chủng virus có thể gây bệnh hoặc gây tử vong; liên tục lây lan từ người sang người; và có bằng chứng cho thấy nó lan khắp toàn cầu.
Tính đến tối 11.3 (giờ Việt Nam), website của Trường y Đại học John Hopkins ghi nhận kể từ khi WHO xác nhận ca đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng 12.2019, dịch Covid-19 đã lan đến 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO cho biết số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng 13 lần trong những ngày gần đây.
Tổng cộng đã có hơn 121.570 người nhiễm Covid-19, trong đó 4.373 người tử vong.
Phi Yến
 
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.