Hai ca tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM: Làm đẹp thế nào để khỏi mất mạng?

Duy Tính
Duy Tính
25/10/2019 19:44 GMT+7

Lãnh đạo Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho rằng hiện nay vấn đề mệt mỏi nhất là còn có những người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ không có giấy phép.

Cần phải xem bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hay không

Ngày 25.10, Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) tổ chức thông tin về Hội nghị khoa học thẩm mỹ tạo hình quốc tế thường niên lần 4 - 2019. Hội nghị lần này là sự phối hợp của 5 hội: VSAPS, Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Phương Đông, Hội tạo hình ASEAN, Hội tạo hình thẩm mỹ vùng mặt Hàn Quốc. Hội nghị khoa học thẩm mỹ tạo hình quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8.12 tới.
Tại buổi giới thiệu hội nghị, PV Thanh Niên đặt vấn đề với lãnh đạo VSAPS, Hội đánh giá nguyên nhân tai biến gây tử vong sau 2 ca phẫu thuật thẩm mỹ và làm thế nào để người dân biết nơi nào phẫu thuật thẩm mỹ an toàn.
Bác sĩ Phạm Xuân Hùng, Trưởng Ban kiểm soát Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết Hội chờ kết luận của cơ quan chức năng. Theo bác sĩ Hùng, trong y khoa, thẩm mỹ bao giờ cũng có rủi ro, tức khi đã thực hiện quy trình, đúng chuẩn mà rủi ro vẫn xảy ra. Vấn đề là Hội góp phần nâng cao tay nghề, trình độ của các bác sĩ, làm sao lường trước các tai biến có thể xảy ra và hạn chế rủi ro.
“Trong các hội nghị của hội thẩm mỹ, Hội thẩm phẫu thuật mỹ TP.HCM luôn đưa ra thông điệp đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận phẫu thuật thẩm mỹ. Hội luôn đặt vấn đề an toàn cho khách hàng. Khi khách hàng đến cơ sở thẩm mỹ thì cần phải xem bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hay không? Cơ sở hoạt động có giấy phép hoạt động hay không? Đây là 2 vấn đề khách hàng cần biết và hỏi trước khi lựa chọ phẫu thuật thẩm mỹ”, bác sĩ Hùng nói.
Ngoài ra, trong hội nghị của Hội luôn có những kiến thức, cập nhật mới nhất và luôn có đề tài phòng tránh rủi ro, giải quyết rủi ro để hạn chế di chứng xảy ra. Và các đề tài này bàn rất sâu.

Đừng tự đưa mình vào những nơi có thể gây ra biến chứng

PGS - TS Lê Hành, Chủ tịch VSAPS, cho biết hiện nay vấn đề mệt mỏi nhất là một số người không có giấy phép, không có các giấy tờ đầy đủ. Theo PGS - TS Lê Hành, Hội phải đến được với những người này để giúp họ để họ biết phạm vi hành nghề, biết làm đúng, tránh biến chứng.
Quan trọng nữa là công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân vì thẩm mỹ bây giờ mọi người đều cần nhưng kiến thức thật sự về thẩm mỹ thì không chắc đã đến được với mọi người. Trong thời gian tới, Hội sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ với báo đài để truyền đạt những kiến thức cần thiết đến với người dân, để họ không tự đưa mình vào những nơi có thể gây ra những biến chứng.

PGS - TS Lê Hành

Ảnh: Duy Tính

“Khó nhất là khi bệnh nhân hỏi đi đâu để hưởng dịch vụ an toàn nhất về thẩm mỹ. Chúng tôi chỉ trả lời là đến nơi nào bác sĩ đó có giấy phép hành nghề, có giấy phép hoạt động, có giấy phép kinh doanh, được sự thẩm định của Sở Y tế, Bộ Y tế”, PGS - TS Lê Hành nói.
PGS - TS Lê Hành cho biết thêm ngành thẩm mỹ có 3 loại kỹ thuật. Kỹ thuật xâm lấn chỉ có bác sĩ tạo hình thẩm mỹ, bác sĩ thẩm mỹ mới được phép làm. Kỹ thuật ít xâm lấn, đi xuyên qua da nhưng không quá lớp nông, có chảy máu: xăm, tiêm filler, lăn kim được bác sĩ da liễu có giấy phép làm. Kỹ thuật không xâm lấn làm ở các spa: đắp mặt nạ, chiếu tia... Hội chỉ đảm nhiệm phần phẫu thuật xâm lấn.
Còn kỹ thuật gây mê chỉ được thực hiện trong bệnh viện; các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và spa không được gây mê; phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được gây tê; spa không được chích tê vì có thể phản ứng gây chết người. Theo PGS - TS Lê Hành, trong thực tế biến ảo khôn lường, thậm chí một cô chuyên môn chỉ làm móng tay nhưng mổ đặt sóng mũi, cắt mí mắt… gây nên tai biến.
Lãnh đạo VSAPS cho biết thêm danh sách hội viên Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP.HCM và Việt Nam sẽ được cập nhật lên website của Hội, qua đó người dân có thể biết. Tuy nhiên, nhiều người thường không quan tâm đến thông tin này. 

Vì sao sau phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây tử vong?

Một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ cho rằng 2 ca phẫu thuật căng da mặt và đặt túi ngực tử vong vừa qua khó xảy ra khả năng sốc phản vệ do thuốc mê, vì sốc phản vệ xảy ra rất nhanh.

Việc phẫu thuật nâng ngực tử vong không do thuốc gây mê thì khả năng do bác sĩ thiếu kinh nghiệm, trong quá trình phẫu thuật bóc tách đã gây thủng màng phổi, mất máu, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Đối với việc căng da mặt, có thể là do thuyên tắc mạch.

Những ngày qua, Sở Y tế TP.HCM cũng đã lập đội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân 2 ca tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ ở Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (Q.10, TP.HCM) và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (Q.3, TP.HCM). Sở Y tế cho biết sẽ thông báo cho báo chí khi hội đồng có kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.