Việc lãnh đạo TP.Hải Phòng quyết định chi 269 tỉ đồng mua ấm chén tặng dân,
theo nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam là quá lãng phí, phô trương
trong bối cảnh ngân sách hụt thu, doanh nghiệp và người dân lao đao vì
dịch Covid-19.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nguồn thu ngân sách 2 tháng đầu năm của Hải Phòng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Theo số liệu báo cáo ngày 3.3 của UBND TP, sau 2 tháng đầu năm, tổng nguồn thu mới đạt 12.721 tỉ đồng, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, ngân sách của Hải Phòng phần lớn trông chờ cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu, với tỷ lệ hơn 61%. Tuy nhiên, hiện nguồn này mới đạt 7.600 tỉ đồng (giảm 21,4% so với 2 tháng năm ngoái).
Lũy kế 2 tháng, tổng thu ngân sách toàn thành phố mới chỉ bằng 12,95% dự toán. 10 tháng còn lại, nếu vẫn duy trì tốc độ này thì cả năm sẽ chỉ bằng 77,7% dự toán, không đạt kế hoạch đề ra.
Dân còn thiếu ăn, cần sự hỗ trợ thiết thực !
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế, cho rằng nếu túi tiền ngân sách dư dả, người dân thu nhập cao, chất lượng cuộc sống tốt thì việc tri ân là nên làm. “Song hiện Hải Phòng vẫn còn hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn. Cơm chưa đủ ăn, nói gì đến dùng ấm chén được tặng để pha trà uống nước hay giữ làm kỷ niệm”, TS Doanh nói.
Minh bạch, khách quan sao né tránh báo chí chất vấn ?Tại cuộc họp UBND TP.Hải Phòng thường kỳ ngày 3.3, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết quyết định tặng quà tới 600.000 hộ dân là để tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhận, tri ân đóng góp, cống hiến của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền TP trong suốt 65 năm qua. Theo ông Bình, việc tặng quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm của chính quyền với người dân.
Trước ý kiến về số tiền mua quà lên tới 269 tỉ đồng là quá lãng phí và dễ bị lợi dụng trục lợi tham ô, ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định đây là một việc làm cẩn trọng, xuất phát từ ý nghĩa thiêng liêng, nên HĐND, UBND TP.Hải Phòng tiến hành hết sức nghiêm túc. “Đó là hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo báo cáo bước đầu, mặt hàng đó (tức bộ ấm chén) người ta bán ở thị trường là khoảng 700.000 - 800.000 đồng/bộ, nhưng chúng tôi thương thảo giá giảm chỉ còn hơn 50%. Việc này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan để lựa chọn nhà cung cấp. Không bao giờ, không cho phép bất cứ ai làm thất thoát một đồng xu cắc bạc của ngân sách, của người dân TP”, ông Bình nói.
Mặc dù nói rất dài về lý do, cách làm, ý nghĩa của việc tặng quà toàn dân để tri ân nhưng khi nhiều PV có mặt tại cuộc họp đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề thì ông Bình cũng như nhiều lãnh đạo TP.Hải Phòng cáo bận, từ chối, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Còn ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hải Phòng, nói ngắn gọn: “Hiện chưa có cụ thể mẫu mã ấm chén. Chúng tôi đang làm theo đúng thủ tục, trình tự được quy định của đúng pháp luật”.
Hiện còn rất nhiều vấn đề dư luận đặt ra nhưng chưa có câu trả lời, chẳng hạn lãnh đạo TP.Hải Phòng có lấy ý kiến người dân về quà tặng? Nếu có sao không công khai ý kiến của dân? Vì sao chưa đấu thầu công khai nhưng lãnh đạo Hải Phòng đã khẳng định mua nhiều thì được giảm một nửa, phải chăng nhà sản xuất đã được “chỉ định” trước khi đấu thầu?...
|
Vấn đề đáng bàn hơn, theo TS Doanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá, nguồn thu ngân sách đang sụt giảm, doanh nghiệp (DN) khó khăn, người dân còn nhiều cơ cực, tặng ấm chén có thiết thực?! “Có chắc người dân mong muốn như vậy không. Nên dừng lại, để dành tiền đó bổ sung ngân sách ưu tiên chống dịch thì hơn. Hoặc hỗ trợ người bệnh, người bị mất việc làm, người nghèo; xây trường học, bệnh viện, công viên ý nghĩa hơn rất nhiều”, ông Doanh khuyến nghị.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này cũng “cảm thấy ngạc nhiên” khi chưa đấu thầu công khai, chưa biết DN nào trúng mà lãnh đạo Hải Phòng đã nói đi khảo giá 700.000 đồng/bộ, mua nhiều được giảm 1/2. “Đấu giá thì phải có quy trình, hồ sơ, mẫu mã, sản phẩm. Ai bỏ giá thấp sau đó thì trúng. Đây chưa đấu, chưa gì đã nói được giảm giá hàng nọ hàng kia thì tôi cũng không hiểu như thế nào”, ông Doanh đặt vấn đề và yêu cầu việc này phải được thông tin minh bạch để người dân được biết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký, Phó chủ tịch của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, thẳng thắn “phê” quyết định tặng quà như Hải Phòng đang triển khai là quá phản cảm và phô trương. “Không chỉ Hải Phòng mà theo tôi, năm nay cả nước có rất nhiều sự kiện lớn. Song diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp, thiệt hại chắc chắn nặng nề; ngân sách khó khăn, nên ưu tiên chống dịch, hỗ trợ DN, người dân nghèo... mới là chủ trương sáng suốt, hợp lòng dân nhất”, bà Lan nêu quan điểm.
Lãng phí, đi ngược chủ trương tiết kiệm
Phân tích ở khía cạnh khác, ĐBQH Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí đã được luật hóa và năm nào cũng được Chính phủ quán triệt. Theo đó, tất cả hội thảo, lễ kỷ niệm, khánh thành, khai trương... không cần thiết thì phải cắt bỏ. Mục đích của việc này để giảm bội chi, giảm áp lực ngân sách. “Việc tặng quà của Hải Phòng, tiền trích từ khoản chi thường xuyên cũng là tiền ngân sách. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, theo tôi nên cân nhắc thật cẩn trọng. Chi như vậy sẽ rất lãng phí”, ông Thụ bày tỏ.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (3.3), trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về chủ trương chi 269 tỉ đồng tặng quà của TP.Hải Phòng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay việc này thuộc thẩm quyền của Hải Phòng, nhưng vì đây là tiền thuế của dân, nên rất cần rà soát xem có đúng luật Ngân sách không và cả tính hiệu quả. “Chúng tôi sẽ trao đổi thêm với TP.Hải Phòng. Nên cân nhắc các ý kiến, rà soát lại vì còn nhiều việc để làm với số tiền đó”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)