Hạn, mặn khốc liệt ở miền Tây

01/04/2019 06:56 GMT+7

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa mưa ở Nam bộ sẽ đến trễ hơn trung bình mọi năm, nguy cơ nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ còn khốc liệt hơn.

Vuông tôm, rừng... bị đe dọa

Tại Cà Mau, nhiều kênh, rạch ở các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước... hiện bắt đầu cạn kiệt. Không ít hộ dân lâm cảnh khó khăn vì nuôi tôm công nghiệp thất bát do nắng nóng. “Nắng kéo dài, độ mặn ở các sông lên cao khiến tôm thẻ chậm lớn và mắc các bệnh phân trắng, hoại tử gan tụy cấp... Thời tiết cứ thế này sẽ còn khổ dài dài”, ông Nguyễn Văn Hài (ngụ ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông, H.Cái Nước, Cà Mau) lo lắng.
Để hạn chế thiệt hại cho sản xuất do nắng nóng kéo dài, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đã cho nạo vét kênh ngòi, sông rạch để khơi thông các dòng sông, hạn chế độ mặn tăng cao và giúp người dân thuận lợi trong việc trao đổi nguồn nước. “Nắng nóng, bà con trồng hoa màu cần tưới nước tiết kiệm, có kế hoạch trữ nước ngọt; chuẩn bị thức ăn, nước uống, tận dụng mọi nguồn nước dùng làm nước uống cho gia súc, gia cầm”, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, khuyến cáo.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết do nắng nóng kéo dài, toàn tỉnh hiện có hơn 34.540 ha rừng tràm bị khô hạn, trong đó hơn 1.600 ha ở mức cảnh báo cháy nguy hiểm (cấp 4). Cửa rừng đã đóng, lực lượng trực canh 24/24, thiết bị sẵn sàng tại các chốt. Người dân xung quanh khu vực rừng, nhất là tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, cũng đã sẵn sàng tham gia trực canh cùng các lực lượng; phương tiện chữa cháy thủ công tại nhà dân cũng đã được chủ động trang bị...
Trong khi đó, Bạc Liêu cũng đang “đứng ngồi không yên” với hạn, mặn. Thời tiết nắng nóng còn đe dọa nghiêm trọng vườn chim Bạc Liêu, khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Khu vườn rộng 130 ha với hơn 100 loài chim, cò, lượng cá thể tự nhiên lên đến hơn 60.000 con; trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ VN. Hiện các tuyến kênh trong vườn đã bồi lắng, khô trơ đáy.
Ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý vườn chim Bạc Liêu, cho biết đã phát động cảnh báo cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Mặn xâm nhập sâu

Theo Sở NN-PTNT An Giang, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, đe dọa khoảng 254.000 ha lúa đông xuân muộn. Hiện nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn, mặn xâm nhập khoảng 9.300 ha. Trong khi đó, các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của khô hạn tập trung ở các xã vùng cao Bảy Núi gồm Tri Tôn và Tịnh Biên với diện tích bị khô hạn lên đến khoảng 7.000 ha.
Tại tỉnh Bến Tre, đài khí tượng thủy văn tỉnh này cho biết mặn đã xâm nhập vào sâu khoảng 40 km trên các sông Hàm Luông, sông Tiền, Cổ Chiên. Nhiều khu vực ở TP.Bến Tre và một số xã tại huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách cũng bị mặn xâm nhập sâu.
Ngày 29.3, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Long An, cho biết mặn cũng xâm nhập sâu vào nội đồng cách cửa sông Vàm Cỏ Tây hơn 83 km tới khu vực P.5, P.6 (TP.Tân An); trên sông Vàm Cỏ Đông mặn đã xâm nhập hơn 73 km tới địa bàn xã An Thạnh, H.Bến Lức. Cùng với đó, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hơn hơn 90 km ở Vàm Cỏ Tây (xã Mỹ Phú, H.Thủ Thừa), hơn 96 km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Hựu Thạnh, H.Đức Hòa). Theo dự báo, trước thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió mạnh và độ mặn trên các sông chính của tỉnh sẽ tăng cao và đẩy sâu, nhanh và mạnh hơn nữa vào khu vực nội đồng.
Tại Đồng Tháp, nguồn nước trên sông Tiền và sông Hậu đang xuống thấp, tại những điểm giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long đã bị nhiễm mặn. Điều bất thường là một số kênh rạch nằm gần đầu nguồn sông Tiền thuộc H.Tam Nông, độ mặn cao hơn cả độ mặn ở khu vực cuối nguồn sông Tiền và sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp. Riêng tại H.Hồng Ngự, vụ hè thu 2019 nông dân xuống giống gần 12.000 ha lúa. Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai thi công 19 công trình thủy lợi nội đồng ở nhiều địa phương có nguy cơ khô hạn.
Tương tự, Kiên Giang cũng đang đối mặt tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt để sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, cho biết hiện lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ mùa khô 2019. Trữ lượng nước Biển Hồ (Campuchia) đã xuống ở mức thấp và dòng chảy về đồng bằng ở mức hạn chế, trong khi đây là 2 yếu tố thượng lưu quan trọng liên quan đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Hứng từng can nước

Những ngày này, vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) trở nên khô cằn do thiếu nước. Mặc dù nhà nước đã đầu tư kéo nước về các phum, sóc nhưng ở một số nơi xa trung tâm, việc lấy nước về sinh hoạt rất gian nan. Nhiều người phải đi hàng cây số đến các giếng nhỏ nằm trơ trọi giữa đồng khô để lấy nước về phục vụ sinh hoạt.
Dọc các tuyến đường về các xã ở vùng Bảy Núi có rất nhiều giếng nước công cộng nhưng đa phần thiếu nước và trơ đáy, người dân phải xếp hàng đợi lấy nước. Chị Néang Đúc (ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, H.Tri Tôn) sống một mình không người thân. Mùa này, chị tranh thủ “trực” ở cái giếng nhỏ nằm giữa đồng lấy từng ca nước đem đi bán lại cho những gia đình trong phum, sóc. Công việc này giúp chị kiếm được 70.000 - 80.000 đồng/ngày.
“Để lấy đầy một can nước 20 lít phải mất khoảng 30 phút. Một số người nhàn rỗi tranh thủ lấy về bán lại 10.000 đồng/can”, chị Néang Đúc nói.
Đặng Ngọc

Đắp đập, đóng cống ngăn mặn

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết nhằm kịp thời chống hạn ở vụ lúa đông xuân và hè thu 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã kết hợp UBND các huyện, thị xã, TP chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống. Tỉnh đang tính toán đắp khoảng 20 đập tạm bảo vệ 7.400 ha với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng. Đối với vùng cao đồi núi ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, dự kiến bơm chống hạn cứu lúa cho 4.256 ha...
Tại Kiên Giang, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã đóng các cống ngăn mặn trên tuyến đê ven biển; đắp đập tạm trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (xã Hòa Điền, H.Kiên Lương) để bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt cho sản xuất lúa đông xuân và hè thu trong khu vực; đắp đập tạm trên kênh Nhánh (TP.Rạch Giá), kết hợp vận hành cống Sông Kiên, Kênh Cụt, đảm bảo ngăn mặn, tạo nguồn nước ngọt cho Nhà máy nước TP.Rạch Giá...
Đặng Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.