Hàng loạt hồ, đập thủy lợi xuống cấp

11/01/2021 05:33 GMT+7

Nhiều công trình hồ, đập thủy lợi ở Lâm Đồng bị xuống cấp, hư hỏng cần đến hàng trăm tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn chưa được bố trí vốn.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sở vừa phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra phát hiện có 5 hồ chứa thủy lợi xuất hiện hiện tượng bất thường, có nguy cơ mất an toàn cho công trình và hạ du. Đáng kể nhất là hồ chứa Đinh Trang Thượng II (H.Di Linh, dung tích 211.000 m3, phục vụ tưới 50 ha cây trồng) do Tổng công ty phát điện 1 (GENCO1) làm chủ đầu tư, hoàn thành bàn giao lại cho Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi (TTQLĐT-KTTL) Lâm Đồng quản lý từ tháng 6.2018. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chưa giải quyết xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ nên hồ không tích nước được. Mãi đến năm 2020, hồ mới tích nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 thì xuất hiện hiện tượng thấm chảy thành dòng ở nhiều vị trí tại mái hạ lưu. Các dòng thấm này trải dài dọc theo thân đập (đập dài gần 131 m, cao hơn 12 m và chiều rộng đỉnh đập 6 m) gây xói mái hạ lưu. Hiện cơ quan chức năng không cho tích nước hồ này để chờ khắc phục sự cố.
Lâm Đồng có 430 công trình thủy lợi lớn nhỏ, cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, cần đến hơn 600 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp.
Trong khi đó, hồ chứa nước Tuyền Lâm (thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt) cũng đang xuất hiện các vệt thấm bất thường đe dọa an toàn công trình hồ chứa. Hồ chứa này được xây dựng từ thập niên 1980 và đây là hồ nước ngọt lớn nhất ở TP.Đà Lạt với dung tích gần 28 triệu m3, phục vụ tưới cho khoảng 2.400 ha đất sản xuất phía hạ du. Hiện các vệt thấm này xuất hiện dọc theo chiều dài thân đập (240 m), nước thấm ra làm ẩm ướt mái hạ lưu. Không chỉ vậy, mặt đập cũng đang bị sụt lún, rạn nứt tại nhiều vị trí. Cầu tràn cũng xuống cấp, không đảm bảo cho xe có tải trọng lớn lưu thông.
Cũng trong tình trạng tương tự, hồ chứa nước P’Róh (H.Đơn Dương) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đưa vào sử dụng hơn 16 năm trước để cấp nước phục vụ sản xuất cho 515 ha lúa và hoa màu. Tuy nhiên, hiện nay mặt đập xuất hiện các vết lún, nứt với chiều rộng khoảng 1 cm, sâu 1,5 m. Tại khu vực mái hạ lưu gần cống lấy nước xuất hiện các dòng thấm bất thường gây ẩm ướt mái hạ lưu đập và có hiện tượng sụt lún. Còn tại hồ chứa nước Ma Đanh (H.Đơn Dương), TTQLĐT-KTTL Lâm Đồng kiểm tra phát hiện tại vị trí rãnh thoát nước phía trên đường bão hòa và dọc thân tràn bị thấm mạnh, nước chảy thành dòng. Tại hồ chứa nước Tư Nghĩa (H.Cát Tiên) cũng xuất hiện hiện tượng thấm tại đập chính. Các hiện tượng này có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết đã có báo cáo tình trạng khẩn cấp về 5 hồ chứa trên gửi UBND tỉnh đề nghị báo cáo Thủ tướng, các bộ ngành T.Ư bố trí kinh phí khoảng 85 tỉ đồng để sửa chữa và hiện đang chờ được xem xét bố trí vốn.
Ông Nguyễn Tấn Hỷ, Giám đốc TTQLĐT-KTTL Đà Lạt, cho biết tại TP.Đà Lạt có 2 hồ chứa Tà Nung (cấp nước tưới 106 ha cây trồng) và hồ chứa Cam Ly (tưới 30 ha cây trồng) đang bị hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn rất cao; cần đến 27 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp và hiện vẫn đang chờ bố trí vốn. Trong khi đó, công trình hồ chứa Thành Lộc (xã Xuân Thọ) bị sạt lở liên tục, cần khoảng 2 tỉ đồng để sửa chữa, khắc phục nhưng vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.