Hàng ngàn người dân 'khát nước' sạch

29/04/2020 08:55 GMT+7

Đã nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân ở huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) phải đối mặt với tình trạng 'khát nước' sạch.

Nguồn nước nhiễm phèn nặng

Dù người dân nơi đây đã tìm mọi cách như hứng nước mưa, đào giếng… và thậm chí bỏ ra số tiền lớn để khoan giếng tìm nước, tuy nhiên việc tìm nguồn nước sinh hoạt vẫn không dễ dàng.
 Việc đào giếng tại địa phương này vấp phải nhiều khó khăn do lượng đá bàn nằm bên dưới lòng đất rất lớn. Đối với những hộ gia đình đào được giếng thì lại gặp phải vấn đề lớn khi nguồn nước bị nhiễm phèn nặng.

Người dân đi lấy nước ở các điểm lấy nước tập trung về sử dụng

Ảnh: Đức Nhật

Theo ông Tống Tấn Lực, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai (trụ sở tại xã Ia Tơi), nhiều năm qua, mặc dù công ty đã nhiều lần thử đào giếng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước sinh hoạt. Do vậy hàng chục cán bộ, nhân viên tại công ty phải chịu cảnh “khát nước”. Công ty phải đặt mua nước bình về nấu ăn, việc tắm giặt đều dựa vào nguồn nước suối. Vài năm trở lại đây, để khắc phục tình trạng trên, công ty đã mua bồn trữ nước mưa để nấu nướng, ăn uống. Tuy nhiên nguồn nước mưa chỉ đảm bảo sinh hoạt trong thời gian ngắn.

Anh Nông Văn An (Thôn 2, xã Ia Dom, H.Ia H’Drai) cho biết, gia đình anh mới chuyển vào sinh sống tại đây hơn 4 năm. Khi mới đến sinh sống, gia đình anh đã đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên sau khi đào sâu khoảng 6m thì gặp tảng đá lớn. Không đào được giếng nước gia đình anh đành đem quần, áo ra suối tắm giặt. Còn nước để nấu nướng, ăn uống gia đình anh phải lấy ở điểm lấy nước tập trung.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai phải tích nước mưa để sử dụng cho ăn uống

Ảnh: Đức Nhật

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Chương cũng mới chuyển về thôn 2, xã Ia Dom sinh sống được vài năm. Để ổn định cuộc sống nơi ở mới, gia đình anh đã đầu tư hơn 40 triệu đồng khoan giếng. Tuy nhiên, nguồn nước từ giếng khoan của gia đình anh bị nhiễm phèn. Dù biết nguồn nước nhiễm phèn, nhưng gia đình anh vẫn phải sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.

“Nước giếng mới bơm lên có màu vàng, gia đình tôi phải để qua đêm rồi mới dùng để tắm giặt. Còn nguồn nước ăn, uống phải mua nước bình loại 20 lít. Biết là tốn kém nhưng nguồn nước giếng nhiễm phèn nên không dám sử dụng”, anh Chương nói.

Sẽ có nhà máy nước sạch cuối năm 2020

Theo thông tin từ UBND H.Ia H’Drai, trong mùa hạn hán năm nay trên địa bàn có 707 giếng nước bị khô hạn gây ảnh hưởng tới 937 hộ gia đình. Hiện tại các điểm dân cư đều bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, khô hạn và tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài thì số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất sẽ tăng.

Ông Bùi Văn Nhàng, Phó chủ tịch UBND H.Ia H’Drai cho biết, do năm nay khô hạn kéo dài nên một số điểm dân cư bị thiếu nước. Để khắc phục tình trạng này, người dân sử dụng hệ thống nước tự chảy lấy từ sông suối về để tắm giặt. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương đã đặt các bồn chứa nước để cấp nước sinh hoạt cho bà con tại các khu dân cư.

“Để khắc phục tình trạng 'khát nước sạch' của người dân, UBND huyện đã đầu tư, xây dựng nhà máy nước sạch với tổng vốn dự toán trên 97 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư. Nhà máy này khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo lưu lượng 2.500 m­3 nước/ngày. Dự kiến đến cuối năm 2020, nhà máy nước sạch này sẽ đi vào hoạt động”, ông Nhàng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.