Hàng rào điện bảo vệ voi rừng hoạt động thế nào?

01/08/2017 10:11 GMT+7

Điện trên hàng rào được phát đi theo hình thức phát - tắt trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 1/3 giây, nhằm gây hoảng sợ cho voi, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng voi và người.

Ngày 31.7, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, để tìm hiểu kỹ hơn về nguyên lý hoạt động của hàng rào điện bảo vệ voi rừng được xây dựng ở khu vực H.Định Quán và H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

tin liên quan

Đồng Nai xây hàng rào điện bảo vệ voi rừng
Ngày 27.7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết hàng rào điện, hạng mục quan trọng của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi do tỉnh này triển khai, hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm.
Theo ông Dũng, hàng rào điện lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V, các bình ắc quy này đặt tại 10 trạm dọc theo hàng rào, các trạm cách nhau 5km. Sau đó thông qua bộ phát xung (công nghệ New Zealand, nhập nguyên kiện) nâng điện thế lên trung bình từ 6.000V - 11.000V rồi phát vào dây rào điện.
Một trạm thu phát điện Ảnh: Lê Lâm
Ngoài ra, còn tùy vào địa hình, vùng đất khô hay ẩm ướt, và có kim loại nằm lẫn trong đất hay không, để đặt mức điện cho phù hợp. Hiện tại trong quá trình thử nghiệm thì nơi thấp nhất được đặt 4.500V, nơi cao nhất là 14.000V.
Cũng theo ông Dũng, điện trên hàng rào được phát đi theo hình thức phát - tắt trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 1/3 giây, nên khi người đụng vào sẽ giật bắn ra, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng. Đối với voi cũng vậy, chỉ gây hoảng sợ và voi không dám lại gần hàng rào điện.
Biển cảnh báo trên hàng rào điện Ảnh: Lê Lâm
Độ dài của hàng rào điện là 50 km, đi qua 3 xã: gồm Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (H.Định Quán), ngăn cách khu dân cư và các nương rẫy của người dân với rừng tự nhiên, nơi voi thường ra tìm thức ăn và xung đột với người.
Hàng rào có độ cao 2,2 m, được xây dựng bằng các cột bê tông cốt thép, trên đó gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện được kéo căng tào thành hàng rào ngăn chặn voi vượt qua. Trên hàng rào điện cứ cách 50 m lại gắn một tấm biển ghi “Nguy hiểm điện giật” để cảnh báo.
Toàn bộ hàng rào có tổng cộng 18 cổng chính cho xe ô tô chạy qua, cùng cả trăm cổng phụ dành cho xe máy lưu thông, nhằm giúp người dân vào nương rẫy canh tác và thu hoạch mùa màng.
Một đoạn hàng rào chạy song song với đường vào Chiến khu D (thuộc xã Phú Lý) Ảnh: Lê Lâm
Thông qua Báo Thanh Niên, ông Dũng mong muốn người dân địa phương đồng hành cùng chính quyền để bảo vệ voi, hành động trước mắt là không nên lấy thiết bị điện trên hàng rào (vừa qua phát hiện mất 5 bóng đèn cảnh báo gắn trên hàng rào ở khu vực xã Phú Lý); khi đi qua các cổng chính vào nương rẫy nhớ đóng cửa lại để voi không ra được.
Dự án khẩn cấp bảo tồn voi được tỉnh Đồng Nai xây dựng vào năm 2013, và giao cho Chi cục kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục: Xác định khả năng cung cấp nguồn thức ăn trong các sinh cảnh tự nhiên hiện voi đang sinh sống để có hướng khôi phục hoặc làm giàu rừng; khôi phục, cải tạo và mở rộng sinh cảnh tự nhiên có quần thể voi; xác định diện tích trồng cây thức ăn, cây thuốc trị bệnh bổ sung cho voi; trồng bổ sung cây thức ăn, cây thuốc trị bệnh cho voi trong phạm vi khu vực dự án bảo tồn voi; bổ sung điểm cung cấp khoáng chất cho voi; cải thiện nguồn cung cấp nước (các ao, đầm tự nhiên, có thể xây dựng các đập giữ nước) mà không phá vỡ quy luật tự nhiên và xây dựng hàng rào điện khoảng 50 km. Nguồn vốn thực hiện dự án là hơn 74 tỉ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 80% và địa phương 20%. Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành.

tin liên quan

Đối đầu voi ngà lệch
Sau nhiều ngày lần theo dấu vết của voi ngà lệch, cuối cùng tôi cũng đã có dịp đối đầu với “ông voi” tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.