Hậu thương vụ AVG: Một vụ án bắt 2 cựu bộ trưởng

Thái Sơn
Thái Sơn
24/02/2019 08:36 GMT+7

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can là cựu Bộ trưởng- ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn vì liên quan đến việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, cùng là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, đã có vai trò quyết định trong thương vụ Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.
Chiều 23.2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, cùng là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT, về tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, điều 220, bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, vào khoảng 14 giờ 30 ngày 23.2, hai mũi cảnh sát thuộc Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã có mặt tại nhà riêng của ông Nguyễn Bắc Son (ở phố Lý Nam Đế, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) và nhà riêng của ông Trương Minh Tuấn (ở ngõ Thổ Quan 1, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội). Việc khám xét tại các địa điểm này diễn ra trong vòng 1 giờ với sự phong tỏa, bảo vệ khá chặt chẽ của lực lượng cảnh sát.
Ông Nguyễn Bắc Son (66 tuổi, quê ở Hà Nội) là Bộ trưởng Bộ TT-TT giai đoạn 2011 - 2016; và ông Trương Minh Tuấn (59 tuổi, quê ở Lâm Đồng), là Bộ trưởng Bộ TT-TT từ năm 2016 - 2018, bị bắt tạm giam là diễn biến mới nhất của vụ án “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone”, đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố hồi tháng 7.2018. Trước khi bị khởi tố, bắt giam, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn đã lần lượt bị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, hồi đầu tháng 7.2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐQT MobiFone, và Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (thuộc Bộ TT-TT). Tiếp đó, ngày 14.11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc MobiFone (thời điểm bị bắt là nhân viên MobiFone) và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc MobiFone. Các bị can nêu trên cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Thương vụ mua bán "hớ"

Ngày 25.12.2015, MobiFone, là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, đã ký hợp đồng với các cổ đông Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 22 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán khoản tiền gần 8.445 tỉ đồng cho AVG.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng sau đó đã chỉ rõ đây là một thương vụ mua bán "hớ", thậm chí có thể nói là "đốt tiền" nhà nước. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3.2015 là rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ với khoản lỗ lũy kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 73,3% vốn điều lệ.
Theo TTCP, việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỉ đồng do mua nợ phải trả của AVG. Cũng theo TTCP, trong thương vụ mua bán này đã có hàng loạt dấu hiệu MobiFone, Bộ TT-TT (thời điểm 2 vị cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn) và một số cơ quan liên quan thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định.
Từ đầu tháng 3.2018, hơn 2 năm sau khi tiến hành thương vụ mua bán cổ phần, MobiFone và AVG đã bất ngờ hủy bỏ hợp đồng. Các cổ đông chuyển nhượng đã tiến hành trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được MobiFone thanh toán. Ngược lại, MobiFone cũng đã hoàn trả các cổ đông chuyển nhượng số cổ phần và các tài sản của AVG mà MobiFone đã nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, hậu quả pháp lý của thương vụ này không dừng lại ở đó.

Ai quyết định mua cổ phần AVG ?

Kết luận của TTCP và nhiều tài liệu do Thanh Niên thu thập được cho thấy, thương vụ mua bán cổ phần thực chất là một “kịch bản” mà “đạo diễn”, “diễn viên” đều là những người có trách nhiệm tại Bộ TT-TT, MobiFone, AVG và một số đơn vị liên quan.
Trước khi thương vụ MobiFone mua AVG diễn ra, từ tháng 10.2014, AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TT-TT, lúc đó là ông Nguyễn Bắc Son, về việc doanh nghiệp này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong đó, có nội dung đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua bằng 7 lần giá vốn, tức vào khoảng 525 triệu USD, tương đương 75% cổ phần. AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD. Từ công văn này, Bộ TT-TT có chủ trương mua lại cổ phần AVG nhằm đảm bảo an ninh chính trị. Ông Nguyễn Bắc Son cũng là người ký quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho MobiFone sau khi xảy ra việc AVG chào bán cổ phần.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cả AVG và Bộ TT-TT đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng từ nào về việc AVG đàm phán với đối tác nước ngoài, cũng như nhận khoản đặt cọc 10 triệu USD. Như vậy để thấy các thông tin về việc chào bán cổ phần, giá trị của AVG đã được dàn dựng bởi một nhóm người, vì mục đích nào đó (?).
Do MobiFone là doanh nghiệp nhà nước nên việc dùng hàng ngàn tỉ đồng mua cổ phần phải được lập dự án, có sự thẩm định, phê duyệt của nhiều ngành chức năng. Mặc dù tiềm lực AVG là rất bê bết, được cảnh báo bởi chính MobiFone cùng nhiều chuyên gia, song đã bị lãnh đạo Bộ TT-TT bỏ ngoài tai.
Việc MobiFone mua AVG là dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có mức đầu tư cao hơn 5.000 tỉ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng, song ông Nguyễn Bắc Son đã có bút phê để ông Trương Minh Tuấn, khi đó là Thứ trưởng Bộ TT-TT, ký Quyết định 236/QĐ-BTTTT ngày 18.5.2015 phê duyệt dự án trái thẩm quyền.
Trong suốt quá trình thực hiện thương vụ mua bán này, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn đã chủ trương đưa toàn bộ hồ sơ mua bán cổ phần AVG vào danh mục bí mật nhà nước. Từ đó, toàn bộ sai lầm của dự án ngay từ đầu đã không được người dân, các cơ quan chức năng giám sát và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong thương vụ này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ rõ ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban Cán sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng.
Hồi cuối tháng 10.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng nêu rõ, ông Trương Minh Tuấn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, đã có nhiều sai phạm. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, ông Trương Minh Tuấn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 của Bộ TT-TT phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công. Với cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng từ tháng 4.2016, ông Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Vì những sai phạm này, ông Trương Minh Tuấn sau đó đã bị kỷ luật cảnh cáo và bị thôi chức Bí thư Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư từng khẳng định những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty MobiFone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng, vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty viễn thông MobiFone, đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ TT-TT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.