Hơn nửa triệu lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại

19/12/2020 07:45 GMT+7

Cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ 2 tại Việt Nam cho thấy có gần 520.000 lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong khu vực như: công nghiệp và xây dựng...

Ngày 18.12, Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE) lần thứ 2 tại Việt Nam. 
Cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2018 cho thấy có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, có hơn 1 triệu trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 - 17 là LĐTE.
Đáng chú ý, cuộc điều tra cho thấy có gần 520.000 LĐTE làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong khu vực như: công nghiệp và xây dựng... Đây là những công việc có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ. Số giờ làm việc của LĐTE làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.
So sánh với tỷ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4% thì chỉ có một nửa số LĐTE được đi học. Con số này trong nhóm LĐTE làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ có 38,6%.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy những tín hiệu tiến triển tích cực từ năm 2012 - 2018. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “So sánh với kết quả điều tra quốc gia về LĐTE lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018”.
Còn theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO VN ILO, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.