Khai thác bền vững du lịch di sản

31/05/2020 06:21 GMT+7

Ô nhiễm âm thanh, ánh sáng, rác thải... đang giảm hẳn ở các khu di sản do lượng khách ít. Sau dịch Covid-19 cũng là cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch theo hướng khai thác du lịch tại các di sản được bền vững hơn.

Ngày ồn ào, đêm sáng lóa

Bà Nguyễn Thùy Dương, một doanh nhân làm du lịch, đã chia sẻ mong muốn của mình trên trang Facebook cá nhân. Ở đó, bà dẫn lại một đoạn clip ghi lại cảnh trên sông ở Cẩm Thanh (TP.Hội An, Quảng Nam) với đủ loại tiếng nhạc, tiếng người ồn ã phát ra từ những chiếc thuyền nhỏ làm du lịch. “Mỗi đoàn một cái loa to, cách nhau chỉ mấy mét, mỗi bên 1 bài, ra sức bật to nhất để át bên khác... Chắc điều tuyệt vời nhất ở Hội An là khu Cẩm Thanh được trả lại sự yên tĩnh sông nước”, bà Dương bày tỏ.

Suốt 20 năm qua, vịnh Hạ Long chưa một lần ngơi nghỉ. Lần xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi tranh thủ thời gian không đón khách để chỉnh trang, sửa chữa hạ tầng

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, để giảm thiểu tối đa tác động của hoạt động du lịch làm ảnh hưởng đến môi trường khu phố cổ, UBND TP.Hội An đã phát động và triển khai thường xuyên phong trào “Một giờ vì Hội An sạch hơn” và lập quỹ “Vì Hội An sạch hơn”, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Tại khu du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh cũng đã quy hoạch các điểm xa dân cư để khách du lịch mở loa, nhạc tận hưởng niềm vui trong hành trình khám phá phong cảnh sông nước hữu tình. Tuy nhiên, theo những người làm du lịch, việc để âm thanh ồn ã là không nên ở các khu di sản.
Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long lại có một mối nguy khác từ ánh sáng đèn chiếu trong hang. Theo PGS-TS Trần Tân Văn (Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản), với các hang ở Hạ Long cũng có nguy cơ là thực vật đèn. Đó là những thực vật phát triển do ánh sáng đèn trong hang. Khi loại thực vật này phát triển sẽ phá vỡ cân bằng trong hang. Các chuyên gia hang động Anh cũng từng khuyến cáo về việc ánh sáng đèn trong hang có thể làm cho các hang động ở Quảng Bình nhợt nhạt đi do hỏng thạch nhũ.
Khai thác bền vững du lich di sản

Hội An cần yên tĩnh để khách cảm nhận được vẻ đẹp phố cổ qua nhiều năm tháng

Ảnh: Hữu Trà

Thay đổi cách làm du lịch trong di sản

TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết hiện VN đang có cơ hội để tái cấu trúc ngành du lịch. “Ta cần đặt ra một nền du lịch trong trạng thái bình thường mới chứ không phải ta vẫn đón khách như xưa. Đây không phải cơ hội cứu ngành du lịch cũ mà là cơ hội tạo ngành du lịch mới. Chúng ta phải đưa du lịch phục hồi kiểu mới chứ không phải theo kiểu cũ nữa”, ông Thiên nói. Kiểu cũ, theo ông, chính là việc có những đoàn khách du lịch đông nghịt kéo sang mà chúng ta chẳng thu được mấy lợi nhuận. Tổng cục Du lịch, theo ông Thiên, sẽ là đơn vị quyết định đường hướng thay đổi này, do là đơn vị quản lý nhà nước.
Từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy định quản lý khu/điểm du lịch trên địa bàn gồm 4 chương, 17 điều, quy định chi tiết trách nhiệm quản lý, điều hành, hướng dẫn, xử phạt các hành vi xâm hại đến môi trường du lịch. UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu/điểm du lịch phải xây dựng và niêm yết nội quy, quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây tổn hại đến môi trường du lịch...
PGS-TS Trần Tân Văn nói: “Đúng là chúng ta phải thay đổi. Thay đổi cách làm du lịch để giữ di sản bền vững, du lịch bền vững”. Việc thay đổi này, theo ông, nên bắt đầu bằng những tiêu chuẩn mới để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm rác thải trên bờ, dưới nước và chống quá tải khách du lịch.
Tại di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), đơn vị quản lý đã đặt nhiều thùng rác và thường xuyên tổ chức thu dọn rác. Trong động Phong Nha hay động Thiên Đường đều thường xuyên có nhân viên trực để nhắc nhở du khách không được vứt xả rác hoặc sờ tay lên thạch nhũ.
Ông Lê Chiêu Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho hay: “Trung tâm có đội vệ sinh chuyên trách thu dọn rác trong hang động, điểm du lịch rồi tập kết chuyển đi hằng ngày. Rác được vận chuyển đưa đi xử lý theo hợp đồng. Ngoài ra, mỗi ngày, trước khi mở cửa đón khách 30 phút đều có cán bộ, nhân viên kiểm tra toàn bộ hệ thống nhằm đảm bảo an toàn và thu dọn rác thải sạch sẽ”.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 5 tấn rác thải được các đơn vị chức năng thu gom trên bờ xử lý. “Suốt 20 năm qua, vịnh Hạ Long chưa một lần ngơi nghỉ. Lần xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi tranh thủ thời gian không đón khách để chỉnh trang, sửa chữa hạ tầng”, ông Huỳnh nói.
PGS-TS Trần Tân Văn nêu quan điểm phải có một bộ quy định về rác thải, nước thải. “Ở biển, có thể yêu cầu tàu tự xử lý chất thải hoặc lưu lại rồi mang về bờ xử lý. Trên núi cũng yêu cầu thu rác về. Bây giờ, cách đơn giản là nếu chiều tối tàu về mà không còn tí chất thải nào thì xử phạt. Thế rác thải đổ đi đâu, đổ ra biển chứ đi đâu mà không còn! Ví dụ như ở Nepal, ai lên núi mà không mang được về 10 kg rác thì phạt. Phải bắt giữ lại, mang lên bờ và khi đó lên bờ thì phải nộp tiền”, ông Văn nói.
Khai thác bền vững du lich di sản

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

“Kỳ nghỉ” cho di sản

Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã có động thái với việc lượng khách vào hang Bi Ký quá đông, lại thường sờ vào cột thạch nhũ khiến bề mặt thạch nhũ bị ảnh hưởng. Trung tâm vài năm nay đã hạn chế, phân luồng khách; không cho khách đại trà lên tham quan khu vực đó nữa.
Tại Hạ Long, “kỳ nghỉ” cho di sản này vẫn còn phải chờ tính toán của nhà khoa học cũng như việc cơ quan quản lý quyết định. “Hiện chúng tôi đang làm một đề tài nghiên cứu khoa học cho vịnh Hạ Long về thực vật đèn. Có thể sẽ có những khuyến cáo họ phải thay đổi hệ thống ánh sáng trong hang, giảm bớt lượng du khách vào hang mỗi ngày, sau đó một thời gian phải dừng lại không khai thác nữa để hang phục hồi”, PGS-TS Trần Tân Văn chia sẻ.
Theo ông Văn, cũng nhiều lần đơn vị của ông đã có những bộ quy chuẩn cho các địa phương có di sản thiên nhiên. Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo về việc giảm lượng khách tham quan, giảm giờ tham quan di sản. “Trước giờ, chúng tôi đã khuyến cáo. Việc này cũng không phải do tự chúng tôi nghĩ ra mà đã tham khảo chuyên gia nước ngoài để có các khuyến cáo trong nghiên cứu”, ông Văn nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.