Kháng nghị vụ 'liên tục phạm tội, tòa vẫn cho hưởng án treo'

Phan Thương
Phan Thương
29/06/2018 11:39 GMT+7

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM phân tích và nhận định, bản án sơ thẩm của TAND Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự và có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật.

Ngày 29.6, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Đình Trung cho biết đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 268 ngày 14.12.2017 của TAND Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) liên quan đến bị cáo Phạm Quang Phương Đoàn.
Qua đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, bản án của TAND Q.Ninh Kiều được tuyên có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự và có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật cần phải kháng nghị giám đốc thẩm để bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật.
Nội dung kháng nghị nêu TAND Q.Ninh Kiều xét xử 7 bị cáo (trong đó có Đoàn) phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Nhưng trong quá trình xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng không xác minh nhân thân, không trích lục tiền án tiền sự của Đoàn, không phát hiện Đoàn có 1 tiền án vào tháng 1.2017, từ đó quyết định cho Đoàn được hưởng án treo là không phù hợp với Nghị quyết 01/2013, rằng: “đối với người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, người phạm tội còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác… thì không được cho hưởng án treo”.
Ngoài ra, theo Viện KSND cấp cao, 7 bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi bán trà giả trong khoảng thời gian dài, số lượng hàng giả và tiêu thụ lớn, các bị cáo phạm vào khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 5 năm - 12 năm tù nhưng án sơ thẩm xử 7 bị cáo đều được hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, không phân hóa được vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo.
Liên quan đến vi phạm trong bản của TAND Q.Ninh Kiều, Viện KSND cấp cao cũng phân tích rằng, theo quy định của pháp luật, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy nhưng bản án sơ thẩm lại tuyên trả loại toàn bộ các vật chứng cho bị cáo đầu vụ là trái với quy định pháp luật.
Về số tiền thu lợi bất chính, theo Viện KSND cấp cao, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định tổng doanh thu từ việc bán trà giả của bị cáo Lưu Ngọc Vinh (đầu vụ) là hơn 8,4 tỉ đồng. Và theo quy định tại Điều 41 bộ luật Hình sự thì phải tịch thu sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của tòa Q.Ninh Kiều chỉ tuyên Vinh nộp 300 triệu đồng thu lợi bất chính là chưa đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Báo Thanh Niên từng phản án một số vi phạm trong bản án của TAND Q.Bình Thủy. Cụ thể, tháng 1.2017, Phạm Quang Phương Đoàn bị TAND Q.Bình Thủy tuyên 2 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm”.
Đến tháng 12.2017, TAND Q.Ninh Kiều xử sơ thẩm một vụ án khác của Đoàn, tiếp tục “cho” Đoàn 2 năm tù (treo), về tội “buôn bán hàng giả là thực phẩm” (bản án đã có hiệu lực - PV).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.