Không bố trí vốn đối ứng khiến dự án ODA chậm, ai chịu trách nhiệm?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/06/2019 12:54 GMT+7

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc không bố trí được vốn đối ứng đã khiến các dự án ODA bị chậm. Tuy nhiên, đại biểu chất vấn trách nhiệm này thuộc về ai khi tất cả các khâu đều do Chính phủ thực hiện.

Chất vấn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng 6.6, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) nêu vấn đề: theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì hiện chúng ta đang rất thiếu nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng, nhưng trong những năm qua, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư nhà nước và nguồn vốn ODA đều rất chậm.
“Với tư cách người trực tiếp chỉ đạo về vấn đề liên quan tới nguồn vốn ODA đề nghị Phó thủ tướng cho biết vì sao giải ngân vốn ODA chậm trễ như vậy? Do vấn đề hành chính hay do tổ chức thực hiện? Biện pháp khắc phục tình trạng này?”, đại biểu tỉnh Gia Lai chất vấn.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định câu hỏi chất vấn mà đại biểu Phương đặt ra là rất đúng vì tình hình giải ngân vốn ODA trong thời gian qua có chậm. Chẳng hạn như năm 2018 chỉ đạt được 63,2% vốn kế hoạch. Trong 5 tháng đầu năm 2019 tình hình được thúc đẩy nhưng vẫn chậm.
Theo Phó thủ tướng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc bố trí nguồn vốn đối ứng trong nước không phù hợp.
“Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA, các nhà cung cấp vốn ODA bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan như giải phóng mặt bằng nếu là dự án xây dựng. Các bộ, ngành, địa phương cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện thì nguồn vốn đối ứng này không được giao cho các bộ, ngành, địa phương để báo cáo đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn”, Phó thủ tướng nói.
Một nguyên nhân khác, theo Phó thủ tướng, vốn ODA có tính chất khác nhau, việc giải ngân cũng theo các tiến trình khác nhau. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch của chúng ta chưa sát. Có những dự án có nguồn vốn nhiều nhưng giai đoạn đầu chưa giải ngân được, trong khi có những dự án đi vào giai đoạn thực hiện cần nguồn vốn thì khi lập kế hoạch lại chưa có.
“Điều này rõ nhất là trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đối với dự án giao thông. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số nguồn vốn ODA dành cho các dự án về giao thông vận tải chiếm 50% trong các dự án ODA”, Phó thủ tướng dẫn chứng, đồng thời cho rằng năng lực của chủ dự án cũng là nguyên nhân dẫn tới giải ngân chậm.
Chưa đồng tình với phần trả lời này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (đại biểu Sóc Trăng), tiếp tục chất vấn Phó thủ tướng về vấn đề vốn ODA.
“Tại sao có việc không thống nhất giữa việc bố trí vốn ODA với vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Đàm phán hiệp định vay vốn ODA là do Chính phủ trình với sự ủy quyền của Chủ tịch nước. Trình vốn kế hoạch đối ứng trong nước là do Chính phủ trình Quốc hội. Nhưng chúng ta luôn luôn phải điều chỉnh vốn trong nước theo vốn ODA. Vậy ai chịu trách nhiệm trước sự không đồng bộ này?”, ông Kiên chất vấn và đề nghị Chính phủ cho biết có kế hoạch huy động nguồn vốn thay thế vốn ODA thế nào trong khi nguồn vốn ODA đều đang giảm?
Tuy nhiên, do đã hết thời gian chất vấn, một số câu hỏi của các đại biểu đã được Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.