Không chi lãi ngoài thì Oceanbank không thể hoạt động

08/03/2017 07:30 GMT+7

Trong ngày 7.3, các luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo về việc Oceanbank chi trả lãi suất ngoài hợp đồng, gây thiệt hại hơn 1.576 tỉ đồng.

Ngày 7.3, phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) bước sang ngày làm việc thứ 7. Các luật sư tiếp tục hỏi các bị cáo về việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng, gây thiệt hại hơn 1.576 tỉ đồng.
Luật sư Ngô Huy Ngọc hỏi bị cáo Hà Văn Thắm về hoàn cảnh tại thời điểm ra quyết định chỉ đạo cấp dưới chi lãi suất ngoài. Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời: “Do thị trường lúc đó rất căng thẳng, nên bị cáo phải làm thế để tạo thanh khoản cho ngân hàng. Sau đó, bị cáo có ra một chỉ thị là ngừng chi lãi suất ngoài”. Luật sư Ngọc hỏi tiếp: “Nếu không có 1.576 tỉ đồng thì ngân hàng có hoạt động thu và đây có phải là khoản chi phí vốn”. “Nếu không chi số tiền đó, khách hàng sẽ gửi tiền chỗ khác, vì thế ngân hàng không thể có nguồn thu. Và đây chính là khoản chi phí vốn”, bị cáo Hà Văn Thắm trả lời.
“Nếu là chi phí vốn thì đương nhiên không phải thiệt hại. Anh chỉ đạo chị Thủy chi cho hoạt động nghiệp vụ với chi lãi ngoài như thế nào?”, luật sư Ngọc hỏi. Bị cáo nguyên là Chủ tịch HĐQT Oceanbank đáp: “Khi chỉ đạo chị Thủy chi hoạt động nghiệp vụ thì bị cáo không nói gì cả, mà chỉ nói là chi nghiệp vụ nên chị Thủy không biết gì cả. Ban đầu thì không biết, nhưng có lẽ sau đó chị ấy biết, nên chị ấy đã phản đối rất mạnh, đó cũng là một áp lực để bị cáo lấy tiền cá nhân để hoàn ứng những khoản đã chi ra. Bị cáo mong HĐXX xem xét số tiền hơn 1.576 tỉ đồng không phải là thiệt hại. Còn nếu coi là thiệt hại thì là của Ngân hàng Đại Dương, bị cáo nắm 63% cổ phần ngân hàng nên 63% thiệt hại thuộc về bị cáo. Chị Thủy cũng rất nhiều lần có ý kiến về khoản chi này, bị cáo cũng trao đổi là do hoàn cảnh bắt buộc nên yêu cầu, ép buộc chị Thủy làm theo”.
Về việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại hơn 1.576 tỉ đồng, bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank) trả lời luật sư bào chữa trước tòa: “Thời điểm bị cáo nhận chỉ đạo của bị cáo Thắm về việc chi lãi suất ngoài là vào năm 2012. Theo bị cáo thì khoản tiền 1.576 tỉ đồng không phải là thiệt hại. Bởi nếu không có khoản tiền này dùng để chi lãi suất ngoài thì không chắc Oceanbank đã hoạt động được và không huy động được, không sinh lợi, không đóng thuế cho nhà nước, không chia cổ tức cho cổ đông và không tạo được công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên. Trong số này, với tư cách người phụ trách kế toán mà quy kết bị cáo chịu liên đới trách nhiệm thì không đúng với bị cáo. Anh Thắm sở hữu 63%, có quyền sở hữu với ngân hàng 63%, vậy với số tiền 1.576 tỉ đồng thì anh Thắm thiệt hại bao nhiêu. Đã là ông chủ ngân hàng thì không ai muốn làm hại ngân hàng cả”.
Vai trò của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Trả lời câu hỏi của luật sư Phạm Thị Hiền liên quan đến khoản tiền chi lãi ngoài chăm sóc khách hàng, bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) khai cuối năm 2010 bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trở lại Tập đoàn dầu khí VN (PVN), nhưng vẫn giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Oceanbank. Bị cáo Thu khai trước tòa: “Khi nhận nhiệm vụ tổng giám đốc thay bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại Oceanbank, thì bị cáo phụ trách khối kinh doanh. Nếu không có sự chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn thì bị cáo không trực tiếp chăm sóc 3 khách hàng VIP của ngành dầu khí, gồm Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty điện lực dầu khí VN (PVPower), Tổng công ty bảo hiểm dầu khí VN và các công ty thành viên (PVIS). Khi đó, anh Sơn nói với bị cáo là tổng giám đốc thì nên chăm sóc trực tiếp khách hàng”. Bị cáo Thu khai tiếp: Về bản chất “chăm sóc khách hàng” chính là quan hệ đối ngoại với khách hàng, ngoài ra còn có cả chi phí chăm sóc.
Cũng trong sáng qua, các luật sư đã tham gia hỏi bị cáo Hà Văn Thắm: “Thỏa thuận chăm sóc khách hàng giữa anh và anh Sơn là thỏa thuận cá nhân hay với tư cách chủ tịch”. Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời: “Tôi nghĩ là cả hai. Anh Sơn có nói đi đàm phán với khách hàng thì họ mặc cả phần trăm chi lãi ngoài, các ngân hàng đều đang khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dầu khí không cần chăm sóc, nhưng sau khi tất toán các hợp đồng thì cần phải có phí cho họ, nếu không có tiền thì họ sẽ đem gửi ngân hàng khác. Bởi vậy cần có một khoản tiền chăm sóc khách hàng. Thỏa thuận đó là bàn công việc thì có thể hiểu đây là công việc bởi anh Sơn đề xuất cho ngân hàng”.
“Chi chăm sóc khách hàng có khác với chi lãi ngoài không?”, luật sư hỏi tiếp. Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời: “Có”. Theo lời bị cáo Hà Văn Thắm: “Theo cá nhân của bị cáo, chi lãi ngoài là trao đổi tỷ lệ liên quan đến tiền bạc. Còn chăm sóc khách hàng thì ngoài tiền mặt còn tổ chức hội nghị, liên hoan, ăn uống. Hiểu rõ hơn, chi lãi ngoài là số tiền ngoài hợp đồng tiền gửi. Còn chi chăm sóc khách hàng là chi sau khi hết hạn tiền gửi rồi vẫn chăm sóc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.