Xét xử Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm: Hà Văn Thắm nhận tội thay cấp dưới

03/03/2017 06:04 GMT+7

Trong ngày xét xử thứ 4 (ngày 2.3) phiên sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), bị cáo Hà Văn Thắm đã nhận tội thay cấp dưới.

“Trong cáo trạng, ở trang 33, theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước xác định số tiền mà OceanBank đã chi là 1.576 tỉ đồng, trong đó có 256 tỉ đồng được xem là hoàn ứng và được tính là giảm trừ trong tổng số tiền tổn thất của OceanBank. Do đó, thiệt hại của Ngân hàng Nhà nước chỉ là hơn 1.319 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế bị cáo có dùng tiền cá nhân để hỗ trợ nhưng cán bộ điều tra chưa ghi nhận, mà ra tòa sẽ trình bày mong tòa xem xét các khoản giảm trừ thêm nữa các khoản mà bị cáo đã ứng. Thứ hai, về việc chỉ đạo chị Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank, chi lãi ngoài, bị cáo nghĩ hành vi của chị Thủy là do lúc trước không biết và sau đó là gần như bị cáo lừa chị ấy”, Hà Văn Thắm khai.
Một cổ hai tròng
“Nếu tòa quy tội thì hãy quy tội bị cáo. Trong lúc điều tra, chị Thủy không khai ra điều này chắc vì nghĩ cho bị cáo. Thực lòng, bị cáo muốn khai báo thành khẩn để quý tòa ghi nhận nên xin được phép trình bày như vậy. Thời điểm đó, bị cáo nghe cấp dưới nói rằng họ đang bị 1 cổ 2 tròng, một là nếu chi chăm sóc có thể bị thống đốc cách chức 2 năm, còn nếu không làm đủ chỉ tiêu thì bị chính OceanBank cho thôi việc. Khi đó, bị cáo đã bảo các em đành lựa chọn 1 trong 2 lựa chọn trên, một là bị cách chức 2 năm, hai là bị OceanBank cho thôi việc vĩnh viễn. Bị cáo xin được trình bày hoàn cảnh của chị Lê Thị Thu Thủy cũng như hơn 40 lãnh đạo khác để tòa biết hoàn cảnh của họ”, Hà Văn Thắm khai tiếp.
Hà Văn Thắm cũng khai trước tòa, trong hoàn cảnh thị trường khó khăn, Ngân hàng Nhà nước công bố trần lãi suất, nếu không chi chăm sóc khách hàng thì không đủ chỉ tiêu và sẽ bị cắt chức. Hoàn cảnh của nhiều cán bộ ngân hàng thời điểm đó là như vậy. Theo bị cáo Thắm, từ bị cáo Lê Thị Thu Thủy đến các chi nhánh đều chịu nhiều sức ép vì giao chỉ tiêu. Tại tòa, Hà Văn Thắm đã nhận trách nhiệm về mình và xin xem xét vai trò của các thuộc cấp.
PVN từng gửi 11.000 tỉ đồng tại OceanBank
Đầu giờ sáng cùng ngày, ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí VN (PVN) tại thời điểm xảy ra vụ đại án kinh tế tại OceanBank, được tòa triệu tập để thẩm vấn với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trả lời các câu hỏi của tòa, ông Quỳnh khai thời điểm năm 2011, tổng số tiền gửi của PVN tại OceanBank lên tới 11.000 tỉ đồng. Việc góp vốn theo từng thời kỳ và giữ ở mức 20% cổ phần tại OceanBank. Việc sử dụng vốn của PVN được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và PVN cũng có nghị quyết liên quan vấn đề này.
Ông Quỳnh khai trước tòa: “Khoản tiền PVN góp vốn 20% vào Ngân hàng Đại Dương tương đương số tiền 800 tỉ và PVN góp vốn chia làm 3 lần”. Việc góp vốn, theo ông Quỳnh, đến năm 2013 PVN vẫn có lợi nhuận và được chia cổ tức từ OceanBank. OceanBank chỉ là một trong những ngân hàng mà PVN gửi tiền để thuận lợi trong các giao dịch. Thời hạn gửi cao nhất là 6 tháng, thấp nhất là 1 tháng. Khi gửi tiền vào OceanBank, phía PVN không chịu bất kỳ áp lực nào và phía PVN cũng chưa bao giờ nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ OceanBank.
Chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà hỏi: “Từ hôm qua đến nay, bị cáo Sơn và bị cáo khác đều thừa nhận chi tiền “chăm sóc khách hàng” khi gửi tiền vào Ngân hàng Đại Dương, thậm chí có người gửi vài chục triệu đồng cũng được chăm sóc nhất định. Trong khi có thời điểm, PVN gửi 11.000 tỉ vào Ngân hàng Đại Dương tại sao lại không có khoản chăm sóc ấy?”. Ông Quỳnh trả lời: “Nhiều tập đoàn con vướng vào vụ án Huyền Như. Chúng tôi đã kịp thời nhắc nhở, chỉ đạo nhân viên soạn văn bản nhắc nhở về việc nhận lãi ngoài vì nhận thức đây là việc làm không đúng quy định. Kính xin HĐXX, tôi chưa bao giờ nhận tiền từ anh Nguyễn Xuân Sơn, lãi ngoài thì càng không có”.
Để làm rõ việc góp vốn vào OceanBank, tòa còn triệu tập ông Hoàng Văn Dũng là người đại diện PVN. Ông Dũng nói trước HĐXX: PVN góp vốn là chủ trương của Chính phủ. Lần thứ nhất, năm 2008, OceanBank tăng vốn từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng, do vậy PVN đề nghị được góp vốn 400 tỉ đồng dưới hình thức chuyển khoản. Năm 2009, OceanBank tăng vốn lên 3.500 tỉ đồng và PVN góp thêm 300 tỉ đồng. Lần thứ ba là năm 2011, khi đó PVN góp thêm 100 tỉ đồng. Sau khi góp vốn, PVN đã cử 3 người tham gia kiểm soát chặt chẽ OceanBank. Và theo quy định, hằng tháng, hằng năm, phía OceanBank phải có báo cáo thông qua tất cả các hoạt động, xin ý kiến của hội đồng thành viên.
“Ngoài ra, PVN còn thực hiện chế độ giám sát thông qua người giám sát bên ngoài. Các ban cũng thường xuyên kiểm tra các báo cáo và chúng tôi không thấy sai sót nào trong quá trình chúng tôi góp vốn tại OceanBank. Kể từ khi góp vốn, năm nào chúng tôi cũng được chia lãi (từ 2009 -2013). Lãi chính là cổ tức", ông Dũng nói. “Tại sao đùng một cái quý 1/2014, OceanBank âm vốn 2,5 lần, toàn bộ số tiền PVN góp vốn vào thành 0 đồng. Hãy lý giải?”, tòa hỏi đại diện PVN. “Việc OceanBank bị mua lại 0 đồng dẫn tới PVN mất 800 tỉ đồng, cơ quan công an đã tách ra để điều tra sau vụ án”, ông Dũng trả lời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.