Kiện trưởng phòng CSGT Đồng Nai đòi bồi thường 80 triệu đồng: Tuyên y án sơ thẩm

13/05/2021 16:44 GMT+7

Bị xử phạt 2,5 triệu đồng khi chạy quá tốc độ và tạm giữ GPLX, ông Đ. khởi kiện trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, yêu cầu hủy quyết định xử phạt và bồi thường 80 triệu đồng.

Ngày 13.5, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại, giữa người khởi kiện là ông K.H.Đ. (ngụ tỉnh Bình Dương) và người bị kiện là Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Đồng Nai.
Ông Đ. khiếu kiện, yêu cầu hủy quyết định xử lý vi phạm hành chính của Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai và yêu cầu bồi thường 80 triệu đồng.

Bị xử phạt chạy quá tốc độ

Theo nội dung đơn khởi kiện, vào ngày 1.6.2019, ông Đ. điều khiển ô tô lưu thông trên đoạn đường thuộc xã Xuân Tâm và Xuân Hưng, H.Xuân Lộc, Đồng Nai thì bị Đội CSGT Suối Tre yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra và được xác định lỗi vi phạm là chạy quá tốc độ cho phép 60/50km/giờ.
Ông Đ. yêu cầu bằng chứng chứng minh lỗi vi phạm thì được CSGT cung cấp hình chụp ô tô kèm tọa độ vi phạm. Không đồng ý với việc xử phạt qua hình ảnh, ông Đ. đặt vấn đề vị trí bắn tốc độ có phải trong khu vực hạn chế tốc độ không và có biển báo hiệu khu dân cư không? Nên ông Đ. yêu cầu quay trở lại vị trí bị bắt vi phạm nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, CSGT khi đó vẫn lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC), tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) dù ông Đ. không đồng ý kí tên.
Sau đó, ông Đ. gọi vào số điện thoại liên hệ nộp phạt ghi trên biên bản thì được hướng dẫn với nhiều mức giá khác nhau. Đến ngày 28.6.2019, ông Đ. nhận được điện thoại thông báo do không có địa chỉ chính xác của ông Đ. nên không thể gửi quyết định xử phạt hành chính. Sau đó, khoảng 10 ngày, ông mới nhận được quyết định xử phạt. 
Theo ông Đ. trong quá trình xác định lỗi, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt VPHC, thu nộp phạt, Cơ quan CSGT đã làm trái quy định pháp luật. Vì vậy, ông Đ. đã khởi kiện ra TAND tỉnh Đồng Nai. Ở phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai bác yêu cầu khởi kiện của ông Đ..

Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, y án sơ thẩm

Tại phiên xét xử phúc thẩm, ông Đ. trình bày CSGT lập biên bản, tạm giữ GPLX của ông là không có thẩm quyền. Việc Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành lập biên bản là trái pháp luật, vì đã cản trở quyền kiểm tra của người vi phạm; CSGT cũng không chứng minh được ông đã vi phạm lỗi gì.
Ông Đ. đặt vấn đề thiết bị kiểm tra tốc độ có đảm bảo về kỹ thuật và người sử dụng thiết bị này có qua đào tạo hay không? Về việc lập biên bản VPHC, ông Đ. không đồng ý kí tên nhưng CSGT vẫn giữ GPLX và xử phạt.
Ngoài ra, theo ông Đ., CSGT không gửi quyết định xử phạt VPHC về nơi ông cư trú mà lại gửi theo địa chỉ thường trú ghi trên GPLX là không đúng quy định pháp luật và còn gửi trễ. Quá trình tư vấn nộp tiền phạt qua tổng đài bưu điện với nhiều mức giá khác nhau là không đúng theo quy định. Và việc tạm giữ GPLX của ông là sai, vì chỉ người có thẩm quyền xử phạt VPHC mới được tạm giữ GPLX. Và việc tạm giữ GPLX đã gây thiệt hại cho ông 80 triệu đồng, vì phải sử phương tiện khác để đi lại. 
HĐXX nhận định, Chi cục quản lý đường bộ IV.2 cung cấp thông tin cho tòa thể hiện, đoạn đường qua H.Xuân Lộc (Đồng Nai) không có dãy phân cách; mỗi chiều xe chạy có hai làn xe; biển báo khu dân cư được lắp đặt vào ngày 25.1.2019.
Phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường theo giấy chứng nhận kiểm định của Viện đo lường Việt Nam. Hình ảnh chụp ô tô của ông Đ. lưu thông với tốc độ 60km/giờ, vượt tốc độ tối đa cho phép 10km/giờ. Do đó, việc tổ tuần tra kiểm soát yêu cầu ông Đ. dừng xe, lập biên bản là có căn cứ. Việc ông Đ. không đồng ý kí tên vào biên bản nên tổ tuần tra đã mời hai người làm chứng, việc này là phù hợp với Luật xử lý VPHC.
Bên cạnh đó, việc biên bản xử phạt VPHC ghi địa chỉ của ông Đ. chưa chính xác, không làm thay đổi hành vi vi phạm của ông Đ. Trên thực tế, ông Đ. đã nhận được quyết định xử phạt VPHC và đã tiến hành khởi kiện ở hai phiên tòa. Xét thấy quyết định xử phạt VPHC ban hành đúng trình tự, thủ tục.
Về số điện thoại mà ông Đ. gọi nhưng được tư vấn với nhiều mức nộp phạt khác nhau là số điện thoại của bưu điện để tư vấn nộp phạt vi phạm giao thông. Do đó việc nhân viên tư vấn trước sau không thống nhất tiền phạt, cũng không làm thay đổi bản chất vụ việc.
Vì vậy, HĐXX xét thấy quyết định xử phạt hành chính trên được ban hành đúng quy định pháp luật. Mặc khác, ông Đ. cũng không chứng minh được ông bị thiệt hại khi bị tạm giữ GPLX, nên tòa không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định ông Đ. cũng không cung cấp chứng cứ mới nên không có căn cứ chấp nhận. Vì vậy, HĐXX bác kháng cáo của ông Đ., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.