Kỳ vọng Quốc hội kiến tạo

23/05/2021 05:41 GMT+7

Hôm nay (23.5), cử tri toàn quốc đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thanh Niên ghi nhận ý kiến kỳ vọng vai trò Quốc hội kiến tạo, cũng như trách nhiệm cống hiến của người đại biểu khi trúng cử trước yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước về mọi mặt trong tình hình mới.

Nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử

Hôm nay, 69.198.594 cử tri cả nước sẽ tới 84.767 khu vực bầu cử thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta và HĐND các cấp.

ẢNH: GIA HÂN

Sự lựa chọn của cử tri hoàn toàn quyết định người ứng cử nào trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp - nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt KT-XH; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng ở từng tỉnh, TP trên cả nước.
Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách được nâng lên tối thiểu 40%. Trong quá trình giới thiệu người ứng cử, hiệp thương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng rất ưu tiên giới thiệu người ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách ở T.Ư và ở địa phương. Tổng số ĐBQH được giới thiệu để dự kiến làm ĐBQH chuyên trách ở T.Ư có 129 người, địa phương có 67 người trong tổng số 866 ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV. Hầu hết các ứng viên đều là những người có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị đã được rèn giũa qua thử thách, thực tiễn công tác.
Với hoạt động của Quốc hội, ĐBQH là trung tâm, nhưng ĐBQH chuyên trách sẽ chiếm vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi hy vọng, các ứng viên ĐBQH chuyên trách vừa qua đã thể hiện tốt chương trình hành động của mình, tạo được niềm tin với cử tri nơi mình ứng cử để có kết quả bầu cử tốt nhất, đảm bảo được tỷ lệ tối đa theo quy định của pháp luật. Đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần đổi mới hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là tính chuyên nghiệp của Quốc hội trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng và chức năng giám sát của ĐBQH

ẢNH: GIA HÂN

Chúng ta đã chứng kiến những đổi mới của Quốc hội từ cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc cho tới cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn, trong sự đổi mới của Quốc hội thì thời gian tới, Quốc hội sẽ có nhiều giải pháp hơn trong việc nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Đặc điểm của Quốc hội ta là không thuần túy chuyên nghiệp theo nghĩa ĐBQH như một nghề nghiệp ở các nước khác. Do đó, mỗi nhiệm kỳ chúng ta lại có một số lượng khá lớn các ĐBQH lần đầu tiên tham gia, nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong kỹ năng. Tất nhiên, sự thay đổi này rất cần thời gian, song tôi kỳ vọng rằng, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ có nhiều giải pháp để thay đổi.
Khi chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội nhiệm kỳ này, điều đáng mừng là chúng ta đã chú ý tới việc tăng cường lực lượng là chuyên gia, trí thức. Đây là điều rất đáng mừng và cần tiếp tục. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, cần phải quan tâm tới tính đại diện ở chỗ tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng cũng phải tương xứng với vị thế trong đời sống. Tôi tham gia Quốc hội từ năm 2002, và khi đó chúng ta cũng đặt mục tiêu là 10% ĐBQH là người ngoài Đảng. Tới nay, sau hơn 20 năm, chúng ta vẫn chủ trương tăng cường với mục tiêu đạt tỷ lệ 10%.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đại biểu, tôi cho rằng, cũng cần quan tâm nhiều hơn tới sự giám sát của các đại biểu. Chúng ta nói nhiều tới giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội hay Đoàn ĐBQH, song giám sát của từng đại biểu thì vẫn còn hạn chế. Tôi cho rằng, ở những nơi “nóng nhất”, người dân bức xúc nhất thì ĐBQH phải có mặt. Nhưng thực tế thì hầu như rất ít ĐBQH dám mạnh dạn đến nơi tìm hiểu vấn đề để tháo gỡ. Đây có lẽ là vấn đề mà chúng ta phải khắc phục.
Ông Dương Trung Quốc (ĐBQH khóa XIV)

Mong chờ sự khởi sắc cho ĐBSCL

ẢNH: Đ.N.T

Lần đầu tiên có ứng cử viên là Thủ tướng về ứng cử ĐBQH, đây không chỉ là vinh hạnh cho Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL. Tôi đặc biệt phấn khởi, trước khi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ các nhà khoa học, những con người gắn bó với ĐBSCL để lắng nghe, nắm bắt những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng để làm thế nào giúp cho khu vực này tháo gỡ những khó khăn, phát triển bền vững.
Tôi tin tưởng rằng, những đại biểu được cử tri chọn lựa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua chương trình hành động của người đứng đầu Chính phủ, tôi thực sự kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, ĐBSCL sẽ có bước phát triển khởi sắc.
GS-TS Võ Tòng Xuân

Đột phá, cởi trói trong tư duy xây dựng pháp luật

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ở một đất nước có 63 tỉnh, thành với những đặc thù theo từng vùng miền, hoặc tính chất đô thị đặc biệt như TP.HCM, thì cần những cơ chế đặc thù để phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh. Cơ quan kiến tạo cơ chế đó, tạo hành lang pháp lý như những “cao tốc” cho địa phương phát triển, không ai khác chính là Quốc hội.
Nhiệm kỳ này, người dân chờ đợi những đại biểu có tư duy đột phá, “cởi trói” trong tư duy để thoát khỏi những điều cũ kỹ, tạo động lực phát triển toàn diện đất nước. Quốc hội cần những con người nói ít, làm nhiều và hiệu quả chứ không cần người nói hay mà không làm gì cả. Người dân rất nhạy cảm, họ sẽ cảm nhận được đại biểu nào đang phát huy vai trò, trách nhiệm và quyền đại diện của mình, và những ai có ý đồ coi vai trò ĐBQH như một món trang sức, làm nền để tiến thân.
TS Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM)

Sẵn sàng đeo bám qua nhiều nhiệm kỳ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nhiệm kỳ qua, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng (Nghị quyết 54/2017, Nghị quyết 131/2020 và Nghị quyết 1111/2020), tạo tiền đề cho TP.HCM phát triển. Đây là những vấn đề mà Đoàn ĐBQH TP.HCM theo đuổi, đeo bám qua nhiều nhiệm kỳ để hoàn thiện, thuyết phục Quốc hội thông qua. TP.HCM là địa phương hội tụ nhiều nhân tài của đất nước về sinh sống, làm việc cùng với truyền thống năng động, sáng tạo nên các ý kiến, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm rất đa dạng. Các ý kiến đó được các đại biểu lắng nghe, chắt lọc và kết tinh thành trí tuệ tập thể để đề đạt đến Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Dù vậy, không phải vấn đề nào cử tri đưa ra cũng được đại biểu đề đạt đến Quốc hội và đạt được mục tiêu ngay từ đầu. Trước yêu cầu thực tiễn cho TP.HCM phát triển, thì đại biểu không nản lòng mà vừa đeo bám, vừa hoàn thiện với niềm tin đến một ngày Quốc hội sẽ chấp thuận.
Có thể nói nhiều kiến nghị, bức xúc của cử tri vượt tầm giải quyết của TP.HCM, điển hình là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát sinh từ hơn 20 năm trước, qua nhiều đời lãnh đạo. Cũng có những vấn đề đụng đến chính sách, quy định pháp luật, vi phạm trong quá trình triển khai mà một mình TP.HCM sẽ khó giải quyết và rất cần sự tham gia của ĐBQH, đặc biệt là hướng dẫn của T.Ư để giải quyết những vấn đề mà người dân bức xúc.
Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, ĐBQH khóa XIV)

Quan tâm các chính sách thu hút nhân tài về nước

ẢNH: N.V

Bầu cử Quốc hội khóa XV diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt vì sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của các ngành, các cấp và nhân dân, tôi tin tưởng đợt bầu cử sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.
Với vai trò là một cán bộ, giảng viên trẻ, tôi tin tưởng vào các ứng cử viên ĐBQH khóa XV là những người có tiêu chuẩn, phẩm chất, được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo và kinh qua nhiều vị trí, vai trò quản lý hay nhiệm vụ trong xã hội, đặc biệt có nhiều ứng cử viên trẻ.
Tôi kỳ vọng các đại biểu được tín nhiệm bầu vào Quốc hội sẽ đại diện cho cử tri để tham gia vào quá trình lập pháp, xây dựng các chính sách nhằm phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt, cần có những chính sách để thu hút nhân tài là các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước cộng tác hoặc tham gia vào các dự án, chương trình nghiên cứu liên quốc gia. Thứ hai là Quốc hội XIV cũng đã từng đặt vấn đề về việc cho ý kiến thành lập Bộ Thanh niên, tôi nghĩ đây là mô hình nhiều nước vẫn có thực hiện, và cần Quốc hội khóa mới thúc đẩy. Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm về vấn đề giáo dục để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển đất nước.
Th.S Trương Văn Đạt (Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Cần có thái độ rõ ràng trong vấn đề chủ quyền biển đảo

ẢNH: HOÀNG SƠN

Quốc hội là cơ quan đại diện của dân, mọi quyết sách của Quốc hội đều liên quan đến vận mệnh đất nước, quyết định những vấn đề lớn, trong đó có vấn đề về biên giới quốc gia. Vai trò và trách nhiệm của Quốc hội cần phải luôn đề cao đấu tranh, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc là trên hết.
Cử tri chúng tôi mong muốn Quốc hội thể hiện vai trò rõ hơn đối với chủ quyền biển đảo, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Cũng cần có thái độ rõ ràng để báo cáo trước cử tri về chiến lược, sách lược và các giải pháp lớn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, việc mà người dân đang mong đợi. Được như vậy sẽ tạo nên sự đồng thuận trong huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa)

Cần tạo sự đồng bộ, hoàn thiện trong giáo dục trực tuyến

ẢNH: N.V

Từ phương diện tiếp cận của một sinh viên từng bước trưởng thành từ nền giáo dục VN, mối quan tâm hàng đầu của tôi là những nội dung có liên quan đến sự phát triển giáo dục một cách bền vững, có hiệu quả và thích nghi với tiến trình phát triển của thời đại. Tôi hy vọng rằng nội dung thảo luận của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới sẽ thúc đẩy sự toàn diện, thống nhất và hoàn chỉnh công cuộc đổi mới sách giáo khoa các cấp, khắc phục những tranh cãi, bàn luận trái chiều liên quan đến nội dung những bộ sách được xuất bản vừa qua.
Bên cạnh đó, tôi bày tỏ mong muốn của mình đối với việc bổ sung những nội dung liên quan đến giáo dục trực tuyến để bản thân giáo dục trực tuyến trở thành một bộ phận của cách thức giáo dục phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Sinh viên Võ Lập Phúc (Thủ khoa đầu vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2020)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.