Xe

Làm gì khi ông Trần Bắc Hà không ra tòa?

14/01/2018 19:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, đối với vụ án đang trong quá trình xét xử, HĐXX không thể thay đổi hay thêm tư cách tố tụng mới đối với người tham gia tố tụng.

Qua một tuần xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB; nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và 45 đồng phạm khác, câu chuyện nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà có thật sư nhập viện tại Singapore hay không đang được bạn đọc rất quan tâm.
Bản thân đại diện Viện KSND TP.HCM cũng hoài nghi vấn đề này nên đề nghị HĐXX xác minh tại cơ quan quản lý xuất cảnh, làm rõ việc ông Hà có xuất cảnh hay không. Theo hồ sơ bệnh án do đại diện ủy quyền ông Hà cung cấp cho HĐXX, ông Trần Bắc Hà xuất cảnh sang Singapore ngày 7.1 và nhập viện ngày 8.1 (đúng ngày đưa vụ án ra xét xử).
Qua những thông tin, tài liệu do đại diện ông Hà cung cấp, chủ toạ thay mặt HĐXX thông báo trong trường hợp cần thiết cần lời khai của ông Hà trong quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, đại diện Viện KSND TP có thể công bố lời khai của ông Hà tại cơ quan điều tra. Bởi, trong nội dung đơn xin xét xử vắng mặt, ông Hà cho biết xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.
Không thể thêm tư cách tố tụng tại phiên tòa
Trước khi mở phiên tòa xét xử, ông Trần Bắc Hà được tòa triệu trập đến phiên xử với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Theo đó, dù ông Hà vắng mặt vì lý do khách quan hay không khách quan, thì theo luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể áp dụng biện pháp dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa, dù cho rằng sự có mặt của ông là cần thiết, ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, cũng không thể thay đổi tư cách tố tụng của ông Hà trong quá trình xét xử vụ án.
Nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế khẳng định "không thể thay đổi hoặc thêm tư cách tố tụng mới là người làm chứng đối với ông Trần Bắc Hà để có thể buộc dẫn giải ông Hà ra tòa theo yêu cầu của Viện KSND TP".
Theo ông Đinh Văn Quế, về quyền hạn của thẩm phán, HĐXX khi xét xử sơ thẩm, bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định về quyền thay đổi hay thêm tư cách tố tụng mới đối với người tham gia tố tụng. “Cái gì luật không quy định thì HĐXX không được làm”, ông Quế nhấn mạnh. Cũng theo ông Quế, do ông Hà là người được cơ quan tố tụng, người tham gia tố tụng xét hỏi và trong đơn xin xét xử vắng mặt, ông Hà đề nghị giữ nguyên lời khai của mình tại cơ quan điều tra, nên theo Điều 308 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư (LS) có quyền công bố lời khai của ông Hà tại cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án.
Thẩm phán Huỳnh Văn Út (TAND TP.Cà Mau) cho biết thêm về nguyên tắc không thể thay đổi hay tư cách tố tụng mới tại tòa: “Muốn thay đổi hay thêm tư cách tố tụng mới cho người tham gia tố tụng, HĐXX phải hoãn phiên tòa, có quyết định xác định lại hoặc thêm tư cách mới rồi ra thông báo cho người tham gia tố tụng và thông báo cho Viện KSND cùng cấp biết”.
LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc ông Trần Bắc Hà không có mặt tại tòa là bất lợi cho ông Hà. Bởi, khi thẩm vấn công khai tại tòa, qua việc xét xử tại tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX có quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án theo Điều 326 bộ luật Tố tụng hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.