Làm sao xử lý triệt để website phim lậu như phimmoi.net?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
24/08/2021 16:31 GMT+7

Chuyên gia pháp lý cho rằng, chế tài xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, chiếu phim lậu tương tự như phimmoi.net hiện chưa đủ sức răn đe. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Xem phim lậu trên mạng có lẽ đã thành thói quen của nhiều người. Bởi người xem chỉ cần truy cập một số website đã có thể thoải mái xem phim Việt hay phim nước ngoài mà không phải mất phí. Các website phim lậu ngang nhiên tồn tại đã dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Mới đây, ngày 19.8, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án "Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" liên quan đến website: www.phimmoi.net, xảy ra tại TP.HCM.
Quá trình điều tra, PC03 xác định, từ năm 2014, Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tỉnh Lâm Đồng), có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng internet.
Để thực hiện kế hoạch, Tú đã thuê hai cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin là Cao Thanh Lai và Cao Duy Anh (đều 31 tuổi, ngụ Đồng Nai) để lập trình, quản trị, vận hành website: www.phimmoi.net.
Đồng thời, nhóm của Tú còn sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền.

Phạt tù cao nhất chỉ 3 năm

Các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do khiến các website phim lậu ngang nhiên tồn tại đó là việc xử phạt vi phạm bản quyền ở Việt Nam quá nhẹ so với lợi ích mà các web phim lậu thu được.
Cụ thể, theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM), hiện nay có rất nhiều website tại Việt Nam công khai trình chiếu các tác phẩm điện ảnh (được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam) dù không được cấp bản quyền. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 10 Điều 28 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) quy định việc “Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sẽ có mức xử lý khác nhau.
Về xử phạt vi phạm hành chính, LS Chánh cho biết, tại Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm bị buộc phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 2 lần so với khung phạt tiền của cá nhân.
Về xử lý hình sự, hành vi công khai trình chiếu các tác phẩm điện ảnh được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam khi chưa được cấp bản quyền là hành vi có dấu hiệu của tội "xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu cá nhân phạm tội, mức phạt có thể lên đến 3 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe

Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hiện nay chế tài xử lý hành vi xâm phạm bản quyền trong môi trường số chưa đủ sức răn đe.Để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm, cần phải có sự trợ giúp tích cực từ phía các nhà mạng và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng.
Theo LS Lượng, tác phẩm điện ảnh là đối tượng được bảo hộ bằng quyền tác giả nên các hành vi sử dụng hay có liên quan đến tác phẩm mà không được sự cho phép sẽ bị xem là vi phạm bản quyền. Hành vi của “phimmoi.net” khi sử dụng các tác phẩm của các tác giả mà không có sự đồng ý bằng văn bản và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu là hành vi vi phạm bản quyền theo quy định tại khoản 8 và 10 Điều 28 luật Sở hữu trí tuệ. LS Lượng phân tích, pháp luật quy định chủ sở hữu tự mình hoặc thực hiện các biện pháp để xử lý vi phạm bản quyền phim ảnh. Có thể áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1, điều 49, Nghị định 22/2018 ngày 23.5.2018 hoặc có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. "Ngoài ra, có thể kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo Điều 202 luật Sở hữu trí tuệ nhằm buộc chứt dứt hành vi xâm phạm, cải chính, xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại, không để phim lậu ngang nhiên hoành hành", LS Lượng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.