Làm theo gương Bác: Lấy lợi ích cộng đồng làm đầu

12/08/2019 08:43 GMT+7

Trong những năm qua, nhiều hòa thượng, thượng tọa trụ trì các ngôi chùa Khmer tại H.Gò Quao (Kiên Giang) là điển hình tiên tiến, tấm gương sáng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Phạm Thị Hòa, Chủ tịch MTTQ VN H.Gò Quao, cho biết Gò Quao là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, có 33.368 hộ dân, trong đó dân tộc Khmer chiếm 31,29% với 10.441 hộ. Các ngôi chùa Khmer là nơi sinh hoạt tôn giáo, đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Toàn huyện hiện có 42 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer 37 người.

Hễ ở đâu chưa có cầu là mình tới xây. Ai nghèo khó, thiếu thốn thì mình giúp họ dựng nhà để an cư lạc nghiệp. Vùng nào chưa có nước sạch thì khoan cây nước. Ai tật nguyền, nghèo khổ thì cho xe lăn, giúp vốn buôn bán sinh sống qua ngày. Ai ốm đau, bệnh tật không có tiền đi bệnh viện thì mình giới thiệu ra khám miễn phí ở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang

Hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì chùa Thanh Gia

Thời gian qua, huyện đã tranh thủ người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu phát huy vai trò trong tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Người có uy tín trên địa bàn huyện đa số là người lớn tuổi, đã nghỉ hưu hoặc công tác ở ấp, tổ nhân dân tự quản, những chức sắc, chức việc...
Họ là người tích cực tham gia các phong trào của địa phương; có uy tín và khả năng tập hợp nhân dân; vận động giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ dần phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Học Bác ở quan điểm tự nguyện

Qua những hoạt động vì cộng đồng, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã trở thành các điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng ở địa phương. Trong đó phải kể đến hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì chùa Thanh Gia; hòa thượng Danh Đổng, trụ trì chùa Cà Nhung; thượng tọa Lý Long Công Danh, trụ trì chùa Thủy Liễu... Với uy tín của mình, các vị đã tranh thủ vận động hàng chục tỉ đồng thực hiện các công trình an sinh xã hội như: xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, cất nhà đại đoàn kết cho người nghèo, xây dựng phòng thuốc nam từ thiện, nhận nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, giúp học sinh nghèo đến trường...
Hòa thượng Trần Nhiếp kể: “Từ lúc thành lập Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo xã Định Hòa đến nay, sư đã giúp được nhiều việc lắm. Hễ ở đâu chưa có cầu là mình tới xây. Ai nghèo khó, thiếu thốn thì mình giúp họ dựng nhà để an cư lạc nghiệp. Vùng nào chưa có nước sạch thì khoan cây nước. Ai tật nguyền, nghèo khổ thì cho xe lăn, giúp vốn buôn bán sinh sống qua ngày. Ai ốm đau, bệnh tật không có tiền đi bệnh viện thì mình giới thiệu ra khám miễn phí ở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang”.
Với thượng tọa Lý Long Công Danh, ở nhà chùa luôn giáo dục sư sãi, phật tử sinh hoạt theo giáo pháp, tu dưỡng đạo đức và nâng cao hiệu quả lao động của người công dân tốt trong cộng đồng xã hội. Ở xã hội, thượng tọa luôn tích cực vận động phật tử, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
“Trong công tác làm từ thiện xã hội, tôi học theo Bác ở quan điểm tự nguyện, có trách nhiệm với công việc, lấy lợi ích của cộng đồng làm đầu. Nhờ vậy mà khi vận động các nhà hảo tâm luôn được mọi người nhiệt tình ủng hộ và đóng góp”, thượng tọa Lý Long Công Danh chia sẻ.
Trong sinh hoạt tôn giáo, thượng tọa Lý Long Công Danh động viên bà con phật tử thực hành tiết kiệm, siêng năng lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động phong trào do địa phương phát động được thượng tọa lồng ghép triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.