Lăng kính Bạn đọc: Thạc sĩ phải chạy Grab, vì đâu nên nỗi ?

25/06/2019 06:58 GMT+7

Có ai thử làm thống kê xem trong những người chạy Grab có bao nhiêu là sinh viên, cử nhân, thạc sĩ... Được đào tạo đại học, sau đại học mà ra trường chạy xe ôm thì có lãng phí quá không? Lỗi tại ai?

Câu chuyện về anh Phạm Quốc Thái, một trong 6 người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án đô thị thông minh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, được phân công làm... rà soát hồ sơ, nhập liệu đã thu hút rất nhiều ý kiến của bạn đọc Thanh Niên trong ngày 24.6.
Anh Thái (26 tuổi) từng học kỹ sư tài năng ngành Kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tốt nghiệp năm 2017, anh làm cho một công ty của Mỹ với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Sau đó, anh ứng tuyển và được nhận học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona (Mỹ) thời gian 1 năm.
Học xong, tháng 11.2018, anh Thái được phân công về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, với công việc hằng ngày chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể hoàn thành tốt: nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm nộp vào, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng. Với mức lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, hơn 6 tháng qua, để bám trụ ở TP.HCM, ngoài việc dè sẻn chi tiêu, anh phải xin tiền nhà, cuối tuần làm thêm ở Tây Ninh và mới đây đăng ký chạy GrabBike vào buổi tối kiếm thêm thu nhập.

Kiểu bố trí “triệt tiêu kiến thức”

"Hôm nọ tôi đi GrabBike, tài xế là một sinh viên ngành kế toán, em cho biết chạy xe để kiếm tiền trang trải chi phí ăn học. Thấy em nỗ lực, vui tính, tôi thấy vui và chúc em ra trường kiếm được việc làm đúng chuyên môn. Hôm nay đọc báo thấy anh thạc sĩ ra trường cũng chạy Grab, tôi thấy buồn, cũng chúc anh kiếm được việc làm phù hợp. Tôi không chê Grab, nhưng sinh viên cũng chạy, thạc sĩ cũng chạy Grab thì "học đại học để làm gì?”.
Nguyễn Văn Hùng (TP.HCM)
“Hy vọng sau bài báo này lãnh đạo TP có hướng giải quyết hợp lý để phát triển”
Thu Hà Nguyễn (TP.HCM)
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) đã vô cùng ngạc nhiên khi biết trường hợp của anh Thái, vì học một đàng, phân công một nẻo, và mức lương quá thấp. BĐ Ba Tèo Trần (Bình Dương) bức xúc: “Bố trí công việc trái chuyên môn và mức lương như thế thì làm sao mà không nản lòng được chứ?”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, như BĐ Tèo (TP.HCM) viết: “Dạng như em này có nhiều. Nếu thực tài thì không than trách mà hãy tự đấu tranh với khó khăn”. Nhiều BĐ khác “khuyên” ra ngoài làm thu nhập cao hơn…
Đáp lại, BĐ Vo Thai (TP.HCM) nhận định: Đồng ý dù có nền tảng kiến thức thế nào cũng cần phải nỗ lực cố gắng mới khẳng định được mình, nhưng phải bố trí họ vào một vị trí thích hợp với chuyên môn thì mới phát huy được. Học kỹ thuật về làm văn thư là đang triệt tiêu kiến thức của người ta. BĐ Minh (Hà Nội) cho rằng anh Thái là người chăm chỉ, phải kiếm việc để làm cả thứ bảy, chủ nhật, là đang tự đấu tranh với khó khăn của mình. Nhưng nếu ngày nào cũng phải chật vật lo cơm áo gạo tiền, công việc chính lại không đảm bảo thì sẽ cống hiến ra sao?

Đừng để người trẻ thui chột khát vọng cống hiến

Nhiều BĐ đồng tình cho rằng trường hợp của anh Thái là lãng phí nhân tài. BĐ Nguyễn Nhật (Đà Nẵng) bức xúc: “Vấn đề là cách dùng người. Trong khi TP đang tìm người làm đề án TP thông minh thì người được cử đi học đúng chuyên môn về lại cho làm nhập liệu”. BĐ Thi (TP.HCM) đặt câu hỏi: Không biết lãnh đạo TP có ý kiến gì về việc sắp xếp nhân sự kiểu này.
BĐ Hoàng Văn (Đồng Nai) nêu vấn đề: Có ai thử làm thống kê xem trong những người chạy Grab có bao nhiêu là sinh viên, cử nhân, thạc sĩ... Được đào tạo đại học, sau đại học mà ra trường chạy xe ôm thì có lãng phí quá không? Lỗi tại ai? Còn BĐ Tran Quy Thuy (TP.HCM) viết: "Đề nghị lãnh đạo TP tìm hiểu và bố trí công việc phù hợp cho những người đã được lựa chọn đi đào tạo. Đừng để họ tự xoay xở với cuộc sống mưu sinh rồi phải từ bỏ ước mơ hoài bão, khát vọng cống hiến".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.