Như Thanh Niên đã thông tin, theo điểm a, khoản 2, điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, điều 75, luật Hôn nhân - Gia đình 2014 về quyền có tài sản riêng của con, quy định: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.
Theo quy định nói trên, tiền lì xì cũng được coi là tài sản riêng của con. Và khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền tết mà ba mẹ yêu cầu con trẻ đưa cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng theo điểm a, khoản 2, điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thiếu thực tế
Trước thông tin này, một số bạn đọc (BĐ) bất ngờ, hoang mang cho rằng: “Thấy cứ kỳ kỳ sao á”. Nhiều phụ huynh còn tự đặt nghi vấn: “Chẳng lẽ trước giờ là mình chiếm đoạt tài sản của con sao?”.
Nhiều BĐ thẳng thắn cho rằng đây là quy định thiếu thực tế, vô lý... "Toàn những quy định trời ơi. Trẻ chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) thì cha mẹ là người giám hộ đương nhiên theo điều 62, bộ luật Dân sự. Và cũng theo luật này, người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ. Vậy thì làm gì có khái niệm "chiếm đoạt" ở đây mà phạt", BĐ Vietroad (TP.HCM) bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Nham Tran (Hà Tĩnh) ý kiến: "Toàn mấy chuyện gì đâu. Dân chúng tôi cực khổ đi làm kiếm tiền đóng thuế để nuôi mấy ông cán bộ nghĩ ba cái luật xa rời thực tế này sao?".
"Bố mẹ bỏ tiền túi ra lì xì cho con người ta thì người ta mới lì xì lại cho con mình, chung quy cũng là tiền của phụ huynh, cớ sao lại phạt?", BĐ N.Thành (TP.HCM) thắc mắc.
"Làm sao biết được ba mẹ chiếm đoạt tiền lì xì của con? Nó vui nó đưa ba mẹ giữ, lâu lâu nó nhớ nó đòi lại thì ba mẹ mang tội hay sao? Rồi mức chiếm đoạt bao nhiêu tiền thì bị tội?", BĐ Robin (Hà Nội) ý kiến.
"Ông nào tham mưu cái quy định này thì sợ thật. Chuyện lớn giúp dân không lo, lại đi đưa ý gì đâu không, sinh hoạt riêng tư gia đình người ta cũng ào vô ý kiến", BĐ Thanh Lâm (TP.HCM) nêu quan điểm.
Nên sửa gấp
BĐ Trần Thị Tuyết (TP.HCM) cho rằng: “Chuyện cha mẹ giữ tiền lì xì của con là rất bình thường và mình không nghĩ đó là hành động chiếm đoạt tài sản. Mình thấy dùng từ chiếm đoạt tài sản nó không hợp lý khi dùng trong các mối quan hệ trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái. Mình thấy tiền lì xì nếu nói đúng thì cũng là tiền của ba mẹ, vì ba mẹ phải lì xì lại cho con người ta thì người ta mới lì xì mình. Hơn thế nữa, mình nghĩ cũng vì trọng ba mẹ, có tình cảm thân quen với ba mẹ thì mới lì xì cho mình”.
"Không thực tế, nghĩ sao mà ra cái quy định thật lạ lùng. Những đứa nhỏ có biết xài tiền là gì. Rồi chẳng lẽ chúng lại làm đơn thưa bố mẹ ra công an chỉ vì "giữ giùm" tiền lì xì (sau đó cũng chi tiêu lại cho chúng)? Trong cuộc sống còn biết bao nhiêu hành vi cần luật để điều chỉnh vậy mà không nhanh chóng ban hành. Theo tôi cần sửa gấp lại những quy định phi thực tế như thế này. Mong các nhà làm luật trước khi đưa ra quy định gì cần phải nghiên cứu thật kỹ, thật sát..., đừng để xảy ra như thế này nữa", Trúc Mai (TP.HCM) ý kiến.
Tôi cần những luật xử phạt thật nghiêm hành vi xả rác, hút thuốc lá nơi công cộng, vượt đèn đỏ... Những cái luật như thế này thì cần thiết hơn.
Minh (Hà Nội)
Đúng là rỗi hơi, nhiều luật cần thiết hơn thì không tập trung xây dựng.
Thế (Sơn La)
Tiền lì xì của con nếu ba mẹ không giữ thì để chúng nó đi tiêu linh tinh hư người à. Chuyện vô lý quá!
Đinh Hiền (Phú Thọ)
|
Bình luận (0)