Lo thiếu thịt heo dịp tết

27/12/2019 00:00 GMT+7

Câu chuyện nóng nhất tại Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi hôm qua (26.12) lại là nguồn cung và giá thịt heo .

Tái đàn muôn vàn khó khăn

Trách nhiệm của doanh nghiệp hạt nhân dẫn dắt thì phải như thế. Còn để giá heo tăng cao, khi người tiêu dùng quay lưng, đi ăn tôm, ăn gà, ăn trứng là chết toi rồi

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

Chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Đinh Hà Thanh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày TP tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong đó lượng heo nuôi tại địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 10%, còn lại phần lớn được nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… Hiện tại, nguồn cung heo tiêu dùng cho những ngày bình thường chưa đến mức thiếu, nhưng đến những ngày cận tết, nhu cầu tăng cao, sẽ không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt. Cũng theo bà Thanh, TP.HCM đã lên phương án tăng nguồn cung thịt trâu, bò, gia cầm lên 10 - 20% trong dịp Tết âm lịch để người tiêu dùng lựa chọn thay thế, góp phần bù đắp cho lượng thịt heo thiếu hụt.
Lo lắng của bà Thanh không phải không có cơ sở, khi Đồng Nai là tỉnh cung cấp gần 50% sản lượng thịt heo cho TP.HCM hiện chưa thể phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn heo toàn tỉnh này giảm 48%, hiện chỉ còn 1,5 triệu con. “Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh là không thiếu nhưng đàn heo tại Đồng Nai chủ yếu nuôi phục vụ nhu cầu của TP.HCM và nhiều tỉnh xung quanh, thậm chí đưa ra miền Bắc nên nguồn cung giảm mạnh thì chắc chắn xảy ra khan hiếm thịt heo, đặc biệt trong dịp tết sắp tới”, ông Giang cảnh báo. Cũng theo ông Giang, UBND tỉnh Đồng Nai hiện đã có văn bản chỉ đạo tái đàn sau dịch, nhưng thực tế đang “muôn vàn khó khăn” khi giá heo giống ở mức cao, nhiều cơ sở chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sau dịch và hiện tại chỉ khuyến khích tái đàn trong các doanh nghiệp (DN) lớn.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội, cho biết trong những ngày bình thường, nguồn cung thịt heo hiện tại vẫn đủ, nhưng nhu cầu tiêu thụ dịp tết đa dạng và lượng tăng cao, nên nguồn cung có sự thiếu hụt. Cũng theo ông Đăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội dịp tết khoảng 23.000 tấn heo hơi/tháng, tăng 20% so với những tháng bình thường. Theo tính toán, thị trường Hà Nội sẽ thiếu hụt khoảng 3.500 tấn heo hơi.
Lo thiếu thịt heo dịp tết

Thịt heo tăng giá quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng, chọn các thực phẩm khác để thay thế

Ảnh: Khả Hòa

Tăng bò, gà để bù đắp thiếu thịt heo

Cũng theo phản ánh từ các địa phương, giá thịt heo ngoài chợ nhiều nơi đã ở mức trên 200.000 đồng/kg, cao chưa từng có, đang ảnh hưởng tiêu cực đến bữa ăn của người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp.
Bà Lê Đinh Hà Thanh nhận định nếu từ nay đến tết, giá thịt heo tăng cao sẽ “đẩy” tình hình vào thế bất ổn. Nếu thiếu, thịt heo nhập khẩu có thể giải quyết được, nhưng người tiêu dùng từ lâu có thói quen sử dụng thịt tươi, thịt nóng, chưa quen sử dụng loại thịt đông lạnh. “Bối cảnh hiện nay cần tuyên truyền để người dân chủ động chuyển đổi, thay đổi thói quen tiêu dùng thịt đông lạnh, hoặc chọn các loại thực phẩm khác thay thế, không để giá thịt heo tiếp tục tăng cao”, bà Thanh nói.
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết giá heo trong 9 tháng đầu năm ở mức thấp và tăng mạnh nhất từ tháng 12. Dịch tả lợn châu Phi nặng nhất ở nhóm chăn nuôi nông hộ, trang trại, gia trại quy mô nhỏ lẻ chiếm tới gần 50% nguồn cung ra thị trường. Khu vực này không còn heo, các cơ sở giết mổ, nhỏ lẻ gặp khó khi tiếp cận nguồn cung heo từ các DN lớn. Heo bị bán qua nhiều khâu trung gian khiến giá đội lên cao, khi phần lớn nguồn cung heo đưa ra thị trường hiện nay đều nằm trong tay các DN, trang trại quy mô lớn. Ngoài ra, nhiều địa phương đến nay chưa có quyết định thông qua kế hoạch tái đàn cũng là một trong những nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung thịt heo ở thời điểm các tháng cuối năm 2019 và dự báo kéo dài sang quý 1.2020.
Theo ông Chinh, để chủ động bù đắp thiếu hụt thịt heo, ngay sau khi xảy ra dịch, nhiều địa phương chủ động tái cơ cấu chăn nuôi, tăng số lượng đàn bò, gà, đại gia súc... Đến cuối năm nay, tổng sản lượng các loại thực phẩm đã tăng hơn 726.000 tấn so với năm 2018. Trong đó, thịt bò tăng 8.600 tấn; thịt dê, cừu tăng 4.100 tấn; thịt gia cầm tăng mạnh nhất với 193.600 tấn; sản lượng trứng tăng 90.000 tấn; thủy sản tăng 430.000 tấn, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay thế thịt heo.
Còn theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, từ tháng 7, nhiều địa phương đã bắt đầu tái đàn, đến nay đã đạt kết quả tốt như: Bắc Giang, Bình Định, Phú Thọ… Với chu kỳ chăn nuôi 4 tháng/lứa, dịp cận tết sẽ có thêm nguồn thịt tái đàn bổ sung cho thị trường và lượng heo tái đàn sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng đẩy nhanh tiến độ tái đàn hiện nay không chỉ bù đắp thiếu hụt thịt heo mà còn phục hồi sinh kế cho người chăn nuôi. Các địa phương phải thực hiện tổng thể để tái đàn ở các hộ chăn nuôi, trang trại, nếu đủ điều kiện an toàn thì hỗ trợ tái đàn ngay, nhưng chủ công vẫn là các DN. Ông Cường đề nghị các DN chăn nuôi lớn hiện nắm giữ phần lớn đàn heo nái có trách nhiệm hạt nhân dẫn dắt, hỗ trợ người dân tái chăn nuôi sản xuất cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tốt trong khâu lưu thông, thương mại, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, tận dụng cơ hội người chăn nuôi tái đàn để trục lợi, đẩy giá lên cao.

Kêu gọi doanh nghiệp xuống giá !

Nguồn cung heo thịt cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý hiện nay phần lớn nằm trong trại của các DN chăn nuôi lớn đang nắm quyền “làm chủ cuộc chơi” về giá. Những ngày qua, Bộ NN-PTNT liên tục phát đi thông điệp kêu gọi các DN lớn trong ngành chăn nuôi hành động để bình ổn giá heo, chia sẻ với người tiêu dùng. Đáp lại, giá heo hơi được điều chỉnh khá rụt rè và khá ngạc nhiên là các DN lớn đều báo chung một giá giống nhau.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN, cho biết DN đã điều chỉnh giảm giá 1.000 đồng/kg heo hơi và giá bán trong ngày 26.12 là 84.000 đồng/kg. Ông Tuấn cũng phân trần bản thân DN đều không mong muốn giá heo quá cao, bởi sẽ mất thị trường khi để thịt ngoại nhập vào. Heo sống chuyển qua biên mậu có nguy cơ dịch bệnh lớn, sẽ khó chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn DABACO, cũng cho biết heo hơi xuất chuồng của DN này cùng mức giá 84.000 đồng/kg. Đối với đàn heo thịt hiện có khoảng 230.000 con, DABACO giữ quan điểm bán thấp hơn giá thị trường tự do để tránh tăng trưởng nóng. Cũng được mời đến dự hội nghị, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, chia sẻ giá heo hơi của DN này cũng đang giữ ở mức… 84.000 đồng/kg.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi kêu gọi các DN lớn chung tay đồng hành bình ổn giá heo là Bộ NN-PTNT đã phân tích ở góc độ về tình về lý, về truyền thống thị trường, tương lai phát triển của ngành… Nếu thiếu thịt heo, giải pháp nhập khẩu là hiển nhiên, nhưng nếu hàng ngoại vào thì nguy cơ gia tăng dịch bệnh, vỡ ngành hàng, mất thị trường là rất lớn.
Về giá heo hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN cùng suy nghĩ, “bảo nhau” chia sẻ theo hướng tích cực nhất, tiếp tục giảm giá heo. “DN phải nhìn tổng thể thị trường, lấy phương châm bền vững, lấy số lượng nhiều, chứ không thể chém vô tội vạ, một con lợn bán ra lãi mấy triệu là chết. Chiến lược phải hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu trong tương lai, chứ không chỉ ăn đong, chờ mỗi dịp Tết Canh Tý này. Trách nhiệm của DN hạt nhân dẫn dắt thì phải như thế. Còn để giá heo tăng cao, khi người tiêu dùng quay lưng, đi ăn tôm, ăn gà, ăn trứng là chết toi rồi”, ông Cường cảnh báo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.