Lời ru buồn trên dốc đá

08/01/2021 06:29 GMT+7

Đã nhiều ngày Y Họ Phương Sai quên đến lớp. Cô bé có đôi mắt buồn và u uẩn ấy cứ mãi loanh quanh trên đồng hái rau dại.

Rồi cuộc đời em sẽ về đâu hay tiếp tục bỏ học, lấy chồng ở cái tuổi 16 như chị gái mình?

Từ câu chuyện cô bé quên đến lớp

Bố bắn chết anh trai sau cuộc nhậu, mẹ gồng gánh nuôi 9 chị em trong khốn khó, đó là những mẩu chuyện nhỏ mà giáo viên Trường tiểu học xã Đăk Hà (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của cô bé Y Họ Phương Sai, học lớp 5B.
Đã 3 ngày rồi, Phương Sai quên đến lớp. Nhà trường không nhận được đơn xin phép hay bất cứ thông báo nào từ phụ huynh. Sợ rằng cô bé sẽ tiếp nối “truyền thống” bỏ học của gia đình, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức đến vận động để Phương Sai trở về lớp. Thế nhưng…
Chiếc xe máy của tôi dừng lại ở cổng Trường tiểu học xã Đăk Hà. Cô Vũ Thị Hiếu Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, chỉ kịp chào hỏi rồi leo lên xe máy dẫn khách đến làng Ngọc Leang cách đó gần 5 km.
Nhà Phương Sai ở trên một con dốc lởm chởm đá. Căn nhà vách gỗ xiêu vẹo không che nổi những ngọn gió đông lạnh cắt da cắt thịt. Trong căn nhà trống rỗng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bóng đèn LED tiết kiệm điện. Đây là món quà mà thầy cô giáo Trường Đăk Hà tặng cho gia đình khốn khó ấy để mấy đứa trẻ được học cái chữ. Hai chiếc giường cũ mọt nằm 2 góc nhà. Nói là giường cho lịch sự chứ thực chất, chúng chỉ là mấy miếng ván mọt gác tạm lên nhau để cả gia đình lấy chỗ ngả lưng. Phía trên “chiếc giường” ấy là hàng tá quần áo rách rưới của cả chục con người.
Thấy giáo viên, chị Y Phê (40 tuổi, mẹ của Phương Sai) từ dưới ruộng hối hả chạy lên. “Cô giáo tìm Phương Sai à. Nó nghỉ học mấy ngày rồi, đang đi hái rau dại về nấu cơm. Nhà xa, phải đi bộ đến lớp, mệt cái chân quá nên nó không muốn đi học nữa”, chị Phê giải thích.
Chị Phê trông nhàu nhĩ hơn hẳn với cái tuổi của mình, những nếp nhăn xếp lớp trên mí mắt. Cũng phải thôi, cuộc đời người đàn bà ấy chỉ toàn nước mắt và khổ đau. Chị Phê suốt ngày vục mặt cày bừa với mảnh ruộng cằn cùng 1 ha mì cao sản, thế mà cái đói vẫn dai dẳng đeo bám lấy gia đình chị hết ngày này qua tháng khác.
Lời ru buồn trên dốc đá1

Chị Y Phê và các con

Bi kịch gia đình

Mời khách ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp, những kỷ niệm khổ đau cứ ùa về, nhòe đi trên đôi mắt của người đàn bà khốn khổ. Năm 16 tuổi, cô thôn nữ Y Phê lấy chồng. 1 năm sau đó, đứa con đầu tiên ra đời. Cứ cách 2 năm nhà chị lại có thêm một thành viên. Đến nay, sau 23 năm, chị Phê có cả thảy 10 đứa con.
Nhà nhiều miệng ăn nên vợ chồng chị Phê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn thiếu ăn. Chồng chị Phê, anh A Hồ (45 tuổi) hiền lành như cục đất. Nhưng cái sự nghèo đưa anh Hồ tìm đến rượu để quên đi cái khốn khó đời thường.
Chị Phê chẳng bao giờ quên được cái ngày 28.8.2017. Tối hôm đó, như bao ngày khác, anh Hồ tìm đến rượu. Đứa con trai đầu A Kạn (18 tuổi) cất tiếng khuyên can. Thế nhưng những lời can gián không làm A Hồ tỉnh được rượu. Hai cha con bắt đầu to tiếng với nhau. A Hồ giáng cú tát vào mặt con trai. A Kạn xô cha ngã xuống đất.
Nhớ ra khẩu súng tự chế vẫn thường đi săn thú gác trên mái nhà, A Hồ liền với tay lấy súng. Một phát đạn xuyên qua vùng ngực A Kạn khiến cậu gục xuống. Người làng liền đưa A Kạn đi cấp cứu nhưng cậu chẳng thể qua khỏi. Chị Phê như ngất lịm với nỗi đau oan nghiệt.
Lời ru buồn trên dốc đá2

Căn nhà vách gỗ xiêu vẹo của gia đình chị Phê

“A Hồ nó giết con nó rồi. Người ta bắt nó đi tù 15 năm. Từ hôm nó bị bắt đến giờ, mình chẳng đến thăm. Nó ác quá, đến con nó cũng giết, mình không muốn gặp nữa”, chị Phê kể trong nước mắt.
Sau cái ngày đau đớn ấy, chị Phê trở thành lao động chính. Dù mới vừa sinh con được vài tháng, nhưng chị cũng đành gượng dậy địu đứa con trên lưng lội đồng tìm gạo. Đứa con út cứ thế lớn lên trên đồng ruộng và những lời ru buồn của mẹ. Thế nhưng dù đã cố gắng cuốc cày, đám ruộng cằn cũng chỉ thu được 6 bao gạo mỗi năm. Những ngày giáp hạt, nhà chị Phê thường xuyên nhịn đói.
Câu chuyện vừa dứt, Phương Sai cũng vừa trở về, trên tay là mớ rau dại vừa hái dưới ruộng. “Nhà nghèo quá nên chỉ ăn cơm với rau này thôi. Lâu lắm rồi chúng cháu không được ăn thịt. Lâu lâu mấy chị em đi làm ruộng với mẹ cũng bắt được chuột, cá nhưng bé quá, ăn nhanh hết lắm”, Phương Sai nói.
Cái đói, cái nghèo khiến cho đàn con của chị Phê chẳng đứa nào vượt qua lớp 9. Chúng cứ học đến hết lớp 8 rồi bỏ ngang, ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Có đứa để mẹ đỡ phải nuôi nên đã lấy chồng từ năm 16 tuổi. Cũng có đứa bắt đầu đi làm thuê khi vừa tròn 13 tuổi.

“Cái bụng đói thì cái chân không muốn đi học”

Con gái thứ 2 của chị Phê, Y Cát năm nay mới 19 tuổi, thế nhưng cô đã lấy chồng được 3 năm và có 2 mặt con. Lấy chồng chỉ để nhà bớt một miệng ăn và cho mẹ đỡ khổ, Y Cát đã biến cuộc đời mình thành một lời ru buồn như đời mẹ. Con gái thứ 3 của chị Phê, Y Côi, năm nay 17 tuổi. Học xong lớp 8, vì nhà không có điều kiện nên cô bé đành nghỉ học ở nhà làm thuê kiếm tiền.
Lời ru buồn trên dốc đá3

Cô giáo vận động Y Họ Phương Sai trở lại lớp

“Trước đây em thích đi học lắm. Nhưng nhà nghèo, nếu mình đi học nữa thì các em lại đói. Em cũng từng ước mơ được làm công an để phá án, bắt trộm cướp. Nhưng giờ thì xa rồi...”, Y Côi bỏ lửng câu nói ở đó để đi nấu cơm trưa.
Phía sau Côi còn có 2 đứa em nữa cũng lần lượt bỏ học khi chưa kịp lớn. Những đứa trẻ cứ theo nhau nghỉ ngang khi vừa đến ngưỡng cửa cấp 2. Chúng chỉ mới 13, 15 tuổi nhưng đã biết đi nhổ mì thuê kiếm tiền đong gạo.
A Măng Cước (8 tuổi), đứa con thứ 8 cũng vừa trở về. Quần áo cu cậu lấm lem bùn đất. Một bên mắt sưng húp vì ong đốt, mắt còn lại đỏ ngầu vì bùn ruộng bắn lên. A Măng Cước cũng đã nhiều ngày chưa đến lớp.
Khi cô giáo hỏi về chuyện nghỉ học, A Măng Cước chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất. Y Côi đang nhặt mớ rau dại nói với vào: “A Măng Cước giỏi lắm cô ạ. Thức ăn trong nhà như chuột, cá suối đều do em đi lội ruộng bắt về. Nhà nghèo, cái bụng đói thì cái chân không muốn đi học đâu. A Măng Cước nghỉ học 4 ngày nay rồi”.
Nghe xong câu chuyện, cô giáo chủ nhiệm của A Măng Cước chẳng giấu nổi nước mắt. Cô liền dắt cậu bé đi tắm rửa, thay quần áo rồi chở về điểm trường chuẩn bị cho buổi học chiều.
Trong đầu tôi cứ mãi chập chờn với hình ảnh cô bé bước thấp bước cao cõng củi trên dốc đá. Vài câu thơ của ai đó chợt vang lên trong đầu: Cô bé Xê Đăng cõng củi về nhóm lửa/Ấm bếp sáng sàn nhưng tăm tối tương lai…
Nói về hoàn cảnh gia đình chị Y Phê, ông Dương Thái Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, cho biết gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ để gia đình chị phát triển kinh tế. Ngoài ra, gia đình chị Phê cũng thường xuyên được chính quyền địa phương hỗ trợ gạo cứu đói. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên mấy đứa con của chị đều chưa học hết lớp 9.
“Sau khi vụ việc A Hồ dùng súng bắn chết con, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo công an và dân quân tổ chức nắm tình hình tại địa bàn. Đồng thời tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.