Lòng tin bí quyết mọi thành công

19/08/2018 07:16 GMT+7

Dịp này năm nay, chúng ta tưởng nhớ 30 năm ngày mất của cố Tổng bí thư Trường Chinh (30.9.1988 - 30.9.2018).

Ông là vị tổng công trình sư của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đầy tự hào cách đây 73 năm và cũng là vị tổng công trình sư của công cuộc Đổi mới năm 1986.
Đọc lại lịch sử Đảng Cộng sản VN, tôi thấm thía ra mấy điều: Sau 10 năm ra đời và hoạt động (1930 - 1940), bốn vị tổng bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương đã lần lượt hy sinh. Rõ ràng, khi thực hiện cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân của các thế hệ cha anh ngày trước, chúng ta đã phải trả một cái giá quá lớn bởi sự hy sinh xương máu vẻ vang của các bậc tiền bối.
Chỉ có 5.000 đảng viên mà Đảng Cộng sản Đông Dương đủ sức vận động và lãnh đạo quần chúng cả nước nổi dậy giành chính quyền từ một triều đình phong kiến hà khắc, lại được nhà nước Pháp bảo hộ gần trăm năm. Bên cạnh đó còn bị thêm xích xiềng của phát xít Nhật sang đô hộ, để lập nên một Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công Nông liên minh đầu tiên ở châu Á.
Phải chăng ngày đó, Đảng của chúng ta tuy không đông, chỉ với 5.000 đảng viên mạnh mẽ và trung kiên ấy, họ xứng danh là 5.000 bó đuốc sáng rực trên bầu trời VN, đủ sức soi đường dẫn lối để cách mạng VN đi đến thành công, giành được độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân.
Tin dân và dựa vào niềm tin của dân
Để lý giải cho câu chuyện thứ nhất, vì sao chỉ trong khoảng 10 năm, lần lượt các vị Tổng bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ hy sinh. Chúng ta thấu hiểu một điều, đã làm cách mạng thì phải dấn thân và chấp nhận hy sinh, mất mát.
Nói như cố Bí thư T.Ư Đảng Hoàng Tùng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư, người cộng sự gần gũi nhiều chục năm với ông Trường Chinh thì: “Tham gia hoạt động cách mạng, chống chủ nghĩa thực dân là phải sẵn sàng trước cái chết, sau đó là cảnh tra tấn, tù đày, chết gục ở những nơi rừng thiêng nước độc; bên cạnh đó là mạng lưới mật thám của địch dày đặc. Những người thoát khỏi mạng lưới này rất hiếm, trước đồng chí Trường Chinh đã có 4 tổng bí thư lần lượt hy sinh với nhiều đồng chí lãnh đạo khác. 10 năm đầu, Đảng vì thế có đến 4 ban lãnh đạo...” (Đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam”; NXB Lý luận Chính trị; 2007; trang 70).
Có một thực tế, từ năm 1940, khi Đảng cử ông Trường Chinh ra làm Bí thư Ban Chấp hành T.Ư lâm thời, lúc này Ban Thường vụ T.Ư còn có 4 người là Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt). Ông Trường Chinh đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng khu căn cứ địa T.Ư nếu không muốn bị tổn thất nghiêm trọng tiếp về nhân sự nữa. Lúc đang bàn về điều kiện, có ý kiến nêu ra, nên đặt An toàn khu ở những nơi hiểm trở, ông Trường Chinh nói: “Lòng người là cơ bản, khu an toàn phải là ở Hà Nội và gần đó vì chỉ khi tiện đường đi lại thì mới chỉ đạo được”.
Vì thế, mục tiêu lấy ngoại thành Hà Nội làm An toàn khu lại là nơi được chọn phải tìm trước. Đó là một cách tính táo bạo và cũng là một quyết đoán đầy bản lĩnh. Khi đó, ông Trường Chinh được phân công làm Bí thư Ban Chấp hành T.Ư lâm thời khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt rồi hy sinh. Có lúc, ông Trường Chinh tâm sự với thuộc cấp là ông Trần Quốc Hương, thư ký của ông (sau này trở thành Bí thư T.Ư Đảng) một cách rất hình tượng xung quanh chuyện này. Ông bảo: “Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người. Núi đá chưa chắc đã vững chãi bằng núi người!”.
Lúc đó, Ban Thường vụ T.Ư Đảng hoạt động ở các xã ven hai bên bờ sông Hồng. Tại Phúc Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đều có cơ sở cách mạng, hình thành nên 2 An toàn khu của T.Ư. Các vị Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đều bị địch lùng bắt rất nhiều lần nhưng nhờ có bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn, họ đã không bị sa lưới tiếp dù lúc đó hoạt động trong lòng địch rất mạo hiểm.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Trường Chinh, nguyên Bí thư T.Ư Đảng Hoàng Tùng đánh giá: “Trường Chinh là một lãnh tụ cách mạng của quần chúng, một con người đạo đức, nhân cách cao thượng. Trước hết, ông là người cộng sản sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, hoạt động ở ngay trong thành phố Hà Nội trong thời kỳ thống trị kép của Pháp và Nhật, mặc dù mang án tử hình vắng mặt và ảnh của ông treo khắp nơi ở Hà Nội. Thế mà ông cứ len lỏi trên đất Hà Nội. Thân thế Trường Chinh lắm lúc gian nan và tế nhị, một người như Trường Chinh mà cũng vấp phải, chứ không phải thuận buồm xuôi gió như mọi người. Song, ông thản nhiên trước sóng to gió lớn, tình người cao cả, thảnh thơi chăm lo công việc cách mạng. Ông là một nhân cách lớn, những người cộng sản chúng ta, tôi nghĩ rằng, cần phải học và noi theo...”.
Từ năm 1940 đến tháng 8.1945, các vị lãnh đạo T.Ư Đảng lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác trong 2 vùng An toàn khu đó. Những cuộc họp quan trọng đều diễn ra tại đây. Điều này càng chứng minh Đảng ta ngày đó đã luôn vững tin vào dân, vào cơ sở cách mạng từng được Đảng tạo dựng. Và nhân dân ta lúc đó vốn đã tuyệt đối tin vào Đảng, hy vọng Đảng Cộng sản sẽ đem lại độc lập, tự do cho dân tộc nên đã hết lòng bảo vệ Đảng.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Từ đó mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm, xóa bỏ sự thống trị của thực dân Pháp rồi quân phiệt Nhật, thành lập chế độ Dân chủ - Cộng hòa và Độc lập - Dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nói đến thời cơ chín muồi để có thể giành thắng lợi khi tổng khởi nghĩa nổ ra, với Tổng bí thư Trường Chinh, đó là việc ông đã có dự báo tài tình về việc Nhật - Pháp sẽ bắn nhau. Vì thế, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh, việc Tổng bí thư Trường Chinh thay mặt Ban Thường vụ thảo ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta đã “có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước” (Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam”; NXB Chính trị Quốc gia; 2002; trang 30).
Từ đó, để cụ thể hóa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8, từ 15 - 20.4.1945, Tổng bí thư Trường Chinh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Từ 13 - 15.8.1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập. Thời gian này, Bác Hồ bị ốm nên không đến dự đầy đủ các phiên họp. Tuy vậy, hội nghị vẫn nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Người vì ông Trường Chinh thường xuyên đến báo cáo và xin ý kiến. Đây chính là hội nghị quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng về đối nội và đối ngoại sau khi chúng ta giành được chính quyền.
Quyết tâm trong thời kỳ mới...
Trong năm 2017 và đầu năm 2018 đến nay, những thành tựu kinh tế đất nước đạt được rất khởi sắc và được kỳ vọng. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng các biểu hiện tự suy thoái, tự chuyển hóa trong Đảng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nghị quyết của Đảng về đổi mới và tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị bước đầu được đánh giá tốt... Điều này quả là những tín hiệu rất đáng mừng; niềm tin của dân với Đảng ngày càng được củng cố, nâng cao.
Đảng ta hôm nay có gần 5 triệu đảng viên. Điều tâm niệm chung nhất là làm sao để chúng ta có sức mạnh to lớn như trong thời điểm mà tổ chức Đảng Cộng sản cũng như thế nước đang khó khăn nhất của cuộc cách mạng là chuẩn bị đứng lên giành chính quyền.
Chúng ta khẳng định niềm tin lớn lao rằng, một khi Đảng đã chỉ ra được những thiếu sót một cách rất nghiêm túc và cầu thị như lâu nay cũng tức là Đảng, Nhà nước đã có các biện pháp tích cực, hiệu quả và kiên quyết để ngăn chặn và đẩy lùi nó. Dứt khoát không chấp nhận và không thể để nảy sinh hay tồn tại các nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một chế độ mà chúng ta hằng vun đắp bằng xương máu, bằng nước mắt của nhiều thế hệ suốt hơn 7 thập niên qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.