Do nước lũ tiếp tục dâng quá nhanh, nhiều địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề hiện chưa thể thống kê.
|
Nước lũ đe dọa an toàn nhiều khu dân cư
Đợt lũ thứ nhất diễn ra từ 7 - 10.10 chưa rút, đợt lũ thứ hai (do ảnh hưởng của bão số 6 gây mưa trong 2 ngày 10 - 11.10) bồi thêm đã khiến địa bàn Thừa Thiên-Huế ngập sâu trong nước. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết mực nước sông Hương chiều 11.10 là 3,84 m, trên báo động 3 là 0,34 m; sông Bồ 4,76 m, trên báo động 3 là 0,26 m. Từ chiều tối qua, mực nước đã gây ngập nghiêm trọng toàn TP.Huế và dự báo lũ còn dâng cao trong thời gian tới. Đến 20 giờ tối qua, mực nước sông Hương vượt trên báo động 3 là 0,57m, sông Bồ trên báo động 3 là 0,45 m. Hiện nay lưu lượng nước về các hồ chứa tăng cao, nước lũ có khả năng tăng cao trong đêm, đe dọa an toàn nhiều khu dân cư…
Cảnh sát đường thủy cứu dân mắc kẹt trong lũ
|
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, sáng 11.10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (đơn vị quản lý hồ Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương) tiếp tục vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 1.500 - 2.500 m3/giây; đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng nước thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng lưu lượng vận hành lúc 8 giờ sáng qua và tăng dần cho đến khi đạt lưu lượng lớn nhất.
Với một lượng lớn nước từ 2 hồ thủy lợi Tả Trạch và thủy điện Bình Điền đổ về, vùng hạ du sông Hương đã ngập trên diện rộng. Hầu hết TP.Huế đã ngập nặng trong lũ…
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết từ đợt lũ thứ nhất mưa lớn và xuất hiện đã khiến lũ vùng hạ lưu sông Bồ (địa bàn TX.Hương Trà, H.Phong Điền, H.Quảng Điền) vượt qua đỉnh lũ lịch sử năm 1999 từ tối 10.10. Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND TX.Hương Trà, cho biết khi đợt lũ thứ nhất chưa rút xuống thì đợt lũ thứ hai tràn về làm phần lớn thị xã bị ngập, đường sá đến các vùng dân cư bị nước lũ chia cắt và chỉ có tiếp cận bằng ghe, thuyền. “Ngay cả trụ sở làm việc hiện nay cũng chỉ có 3 phường gần trung tâm thị xã, còn trụ sở làm việc các phường đều bị nước lũ tràn vào”, ông Tuấn nói.
|
Bất lực nhìn tài sản trôi theo lũ
Hôm qua 11.10, nước mưa xối xả kèm nước từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến nhiều địa bàn ở Quảng Nam bị cô lập. Loay hoay dọn đồ lên cao, ông Lê Đình Quang (55 tuổi, xã Tam Đàn, H.Phú Ninh) hướng mắt về phía tủ lạnh, máy giặt, ti vi… bị ngập quá nửa, buồn bã: “Chiều 10.10, chỗ tôi ở vẫn khô rang. Cứ tưởng lũ năm nay không lớn. Ai ngờ 3 giờ sáng 11.10, nước đổ về như thác. Phần lo cho mấy đứa nhỏ, phần lo thu dọn đồ đạc… Một mình xoay xở với đống đồ. Rồi cũng bỏ thôi, không còn sức nữa”.
Nhiều nơi vẫn còn chia cắt
|
Ở vùng “rốn lũ” Đại Lộc, dù dạn dày kinh nghiệm chống lũ như ông Nguyễn Mạnh Tuấn (60 tuổi, ở TT.Ái Nghĩa, H.Đại Lộc) cũng phải lắc đầu. “Nước lên quá nhanh. Nhanh đến nỗi dù dự tính nước sẽ tràn vào nhà nhưng vẫn trở tay không kịp. Vợ chồng tôi cùng con trai chỉ kịp chuyển tủ lạnh, ti vi, máy giặt… lên cao, còn lợn gà đã trôi theo lũ”, ông nói. Bà Bùi Thị Liễu (55 tuổi, vợ ông Tuấn) kể thêm nước sông dâng rất nhanh. Từ mức nước lấp xấp nền nhà 30 cm, thoáng chốc đã lên đến 1 m. Nồi cơm với cá khô được dọn ra, cả gia đình mỗi người bưng một bát đứng trong nước lũ dùng bữa...
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 11.10, địa phương đã sơ tán gần 1.700 hộ dân. Mưa lũ gây hư hỏng gần 100 ngôi nhà và gần 1.500 ha lúa, hoa màu; cuốn trôi gần 3.000 con gia súc, gia cầm…
|
Thành lập sở chỉ huy tiền phương
Tại Thừa Thiên-Huế, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương “kích hoạt” công tác cứu trợ để kịp thời ứng cứu cho bà con trong vùng ngập lụt. Có đến tận vùng tâm lũ mới biết cái ăn đang cần thiết như thế nào.
Do mưa lũ diễn biến phức tạp gây ngập lụt hầu hết các địa phương các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, ngày 11.10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Sở Chỉ huy do thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và tham gia ứng cứu người dân vùng thấp trũng bị cô lập do mưa lũ.
|
Bình luận (0)